Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khát vọng khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống dân tộc

Ngọc Thu - 08:45, 17/01/2023

Với tư duy đổi mới, ý chí vươn lên mạnh mẽ và tình yêu văn hóa dân tộc, phụ nữ DTTS ở vùng cao Gia Lai đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng biến di sản văn hóa thành sản phẩm khởi nghiệp. Niềm vui, sự kỳ vọng còn được nhân lên, khi các ý tưởng khởi nghiệp được các cấp, các ngành đánh giá cao, ứng dụng vào cuộc sống và trở thành điểm nhấn của du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch, đặc biệt trong dịp Tết đến, Xuân về.

Đối với người DTTS ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau
Đối với người DTTS ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau

Biến di sản văn hóa thành tài sản

Bên hiên những ngôi nhà sàn truyền thống của làng Ia Lôk (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), nắng Xuân vàng óng chiếu xuyên qua khung cửi dệt vải thổ cẩm khiến mọi đường nét, sắc màu trở nên bừng sáng.

Gặp khách đến tham quan, chị H’Uyên Niê nhanh nhẹn giới thiệu các sản phẩm của Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng”. Chị H’Uyên cho biết: “Ngôi làng Gia Rai mình đang sinh sống hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú. Mỗi bà con nơi đây như là một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, sẵn sàng giao lưu, giới thiệu với du khách về văn hóa truyền thống dân tộc. Dựa vào làng du lịch cộng đồng, tôi tiếp tục xây dựng ý tưởng “Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông” nhằm giúp bà con phát triển kinh tế bền vững”.

Cũng dựa vào di sản văn hóa, chị Rơ Mah H’Dịu (dân tộc Gia Rai, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đã làm nên ý tưởng khả thi, đó là “Thành lập làng nghề thanh niên đan lát rổ, rá, gùi bằng tre, nứa”.

Theo H’Dịu, để ý tưởng trở thành hiện thực cần chủ động kêu gọi sự tham gia đào tạo nghề của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; quy hoạch xây dựng vùng trồng nguyên liệu tre để phục vụ hoạt động đan lát với mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu xã hội như: Đèn ngủ, lẵng hoa, giỏ trang trí…

Dựa vào những di sản văn hóa có sẵn để phát triển kinh tế cho đồng bào nơi đây thì mới thật sự bền vững. Đây cũng là cách để động viên dân làng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch văn hóa trên mảnh đất Tây Nguyên.

“Tiếp lửa” khát vọng khởi nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền văn hóa khác, nhiều nét văn hóa dân tộc đang dần bị mai một. Ý thức được điều này, những bàn tay tài hoa như chị H’Uyên, H’Dịu đang ngày ngày âm thầm đánh thức nghề truyền thống của dân tộc mình, giữ màu sắc, niềm đam mê cho dân tộc trên mảnh Tây Nguyên. Để lưu giữ nét văn hóa truyền thống ấy, cứ vào dịp Tết, ngày lễ, những khoảng thời gian nông nhàn, các chị em phụ nữ lại họp mặt vừa vui Xuân, vừa chia sẻ, trao đổi với nhau về cách thêu những hoa văn, họa tiết trên trang phục sao cho thật mới mẻ, bắt mắt. Từ đời này sang đời khác, chính họ đã làm nên một nét đẹp rất riêng và độc đáo trong cộng đồng, gắn kết mọi người trong mối giao hòa của cuộc sống tràn đầy thương yêu và sẻ chia.

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, những nụ mai anh đào chớm nở giữa mênh mông đại ngàn rừng thông, hòa quyện cùng điệu nhạc, tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào các dân tộc, chị H’Uyên bày tỏ: “Bước sang năm mới, tôi mong muốn nhiều cơ hội hơn nữa để cùng dân làng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa. Đồng thời, tôi rất mong muốn các cấp, các ngành và đơn vị quản lý tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cùng thực hiện. Có như vậy mới đem lại hiệu quả cho mô hình du lịch cộng đồng”.

Hiện tại, chị H’Uyên cùng các thành viên trong làng du lịch cộng đồng được tham gia lớp đào tạo nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng thuộc Dự án phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB. Cùng với đó, được đi tham quan, học tập cách làm du lịch của các tỉnh Tây Bắc.

Đối với chị H’Dịu, niềm mong muốn duy nhất là được triển khai các ý tưởng ngay tại quê hương mình. “Tôi mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên ngay trên quê hương mình. Từ đó, tập hợp thanh niên gắn bó với thôn làng và bảo tồn nghề truyền thống, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, chị H’Dịu chia sẻ.

Vượt qua hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, 2 ý tưởng của chị H’Uyên và H’Dịu đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh Gia Lai phát động và cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2022 do Tỉnh đoàn cùng các đơn vị phối hợp tổ chức. Đây vừa là niềm vui, vừa là nguồn động viên, động lực to lớn để sang năm mới các chị có nhiều thành công hơn nữa.

Có thể nói, những ý tưởng sáng tạo, nhạy bén trong tư duy khi dựa vào di sản, nghề truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để khởi nghiệp, chị em phụ nữ DTTS đã lan toả tinh thần khởi sự kinh doanh tới các tầng lớp Nhân dân ở thôn làng vùng sâu, vùng xa; gửi gắm thông điệp về sự tự tin và nỗ lực của người DTTS trong khát vọng làm giàu. Qua đó, giúp phụ nữ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Đón Xuân này, đồng bào DTTS ở Gia Lai rất phấn khởi khi qua một năm, thôn làng lại có thêm những ý tưởng sáng tạo để có thêm động lực giúp bà con gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc. Cùng với đó là sự đầu tư cơ sở hạ tầng, xây thêm nhiều điểm du lịch đã góp phần thay da đổi thịt các ngôi làng. Đây sẽ là cơ hội tốt để các nét văn hóa của đồng bào được lưu truyền mãi mãi.