Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đánh thức giá trị văn hóa để thoát nghèo

PV - 15:27, 09/01/2019

Với mong muốn bảo tồn nghề dệt lanh của người Mông gắn với phát triển kinh tế, chị Sùng Y Xía ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi nghiệp từ nghề dệt thổ cẩm và du lịch tại địa phương.

Theo lời kể của chị Sùng Y Xía, ngoài làm nương rẫy, người Mông còn được biết đến là những “nghệ sĩ” tạo nên những bộ trang phục từ cây đay thật đẹp, làm say đắm lòng người. Với nghề dệt lanh của đồng bào Mông ở Hoà Bình, người phụ nữ kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải để tạo nên những họa tiết trên nền trang phục. Họ thêu hoa văn không cần mẫu, để thêu thường, chỉ dùng sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu. Những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng nhọc nhằn của người phụ nữ Mông.

Chị Sùng Y Xía giới thiệu những sản phẩm dệt thủ công của người Mông tại một chương trình về khởi nghiệp. Chị Sùng Y Xía giới thiệu những sản phẩm dệt thủ công của người Mông tại một chương trình về khởi nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nét truyền thống của nghề dệt lanh, nhất là vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông đang có nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của xã hội, sự du nhập của nhiều chất liệu vải giá rẻ trên thị trường và cũng vì cuộc sống mưu sinh của đồng bào… Vì thế, chị Sùng Y Xía nảy ra ý tưởng cần sớm bảo tồn.

Chị Xía tâm sự: “Chị em phụ nữ Mông sống khép kín, không thích xa nhà nên chỉ biết gắn bó làm nương rẫy, nghề dệt, vẽ hoa văn bằng sáp ong. Tuy nhiên, họ chỉ làm đơn lẻ tại nhà theo kinh nghiệm mẹ truyền con nối, tay nghề không được đào tạo bài bản. Nhiều người chọn chất liệu rẻ hơn để may trang phục nên bản sắc văn hóa dần mai một. Vì thế, mình và phụ nữ Mông tự thấy trách nhiệm bảo tồn giá trị của nghề này”.

Để bảo tồn nghề truyền thống, từ năm 2016, chị Sùng Y Xía đã tập hợp chị em phụ nữ trong vùng cùng phát triển nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch, cải thiện kinh tế địa phương. Là người có tay nghề, chị Xía dạy nghề cho phụ nữ địa phương, nhất là dạy cách phác họa hoa văn để vẽ sáp ong trên vải lanh, thêu hoa văn truyền thống, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, giúp tăng thu nhập. Hiện tại, nhóm dệt của chị Xía có 7 người, vào những ngày thường, mọi người mang sản phẩm về nhà làm, nhưng nếu có khách du lịch hay khách đặt hàng thì lại tập hợp nhau lại ở nhà chị Xía để giúp cho khách được trực tiếp trải nghiệm.

Không chỉ dừng lại ở những bộ trang phục sặc sỡ, chị Xía còn hướng dẫn chị em sản xuất các sản phẩm handmade từ thổ cẩm lanh của người Mông như túi xách, túi khoác, ba lô, tranh treo tường…

Chia sẻ về những dự định, chị Sùng Y Xía cho hay, nghề dệt truyền thống của cha ông đã có bao đời nay, tuy nhiên việc khó khăn nhất chính là tìm đầu ra cho sản phẩm bởi các dân tộc đều có nét văn hoá riêng, có trang phục riêng nên khó kết nối, bán đại trà khắp các vùng miền được. Do vậy, mình phải tạo ra những sản phẩm mang tính chất làm quà lưu niệm, đó sẽ là cách dễ nhất để giúp sản phẩm của mình vươn xa.

Trong thời gian tới, chị Xía xác định tiêu thụ các sản phẩm của mình bằng cách kết hợp với du lịch. “Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang xác định du lịch là ngành mũi nhọn nên tôi sẽ dựa vào đó để giúp bà con phát triển kinh tế. Đầu tiên là xây dựng nhà truyền thống dân tộc Mông, tạo ra những hoạt động văn hoá như tổ chức Đội văn nghệ mang bản sắc riêng, bảo tồn và khai thác ẩm thực dân tộc của người Mông, nhằm thu hút du khách. Bản thân sẽ tìm cách tổ chức tập huấn cho chị em và kêu gọi một số hộ tham gia mô hình homestay, đào tạo thuyết minh viên, tiếp tân, hướng dẫn viên du lịch. Đây là cách để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm lưu niệm đặc trưng của dân tộc mình”, chị Xía cho biết.

HỒNG MINH