Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khánh Hòa: Tạo cơ hội phát triển cho địa bàn miền núi trong thách thức

Hoàng Thanh - 19:12, 22/11/2022

Trong không gian phát triển chung, tỉnh Khánh Hòa xác định địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Thực hiện chủ trương đổi mới tư duy theo hướng tự lực tự cường, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách, ưu tiên phát triển bền vững địa bàn này.

Dự án Cầu tràn thôn 6, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh được đề xuất đầu tư trong thời gian tới
Dự án Cầu tràn thôn 6, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh được đề xuất đầu tư trong thời gian tới

Phát triển kinh tế gắn liền với quốc phòng - an ninh

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, địa bàn miền núi chiếm hơn 4/5 diện tích tự nhiên của tỉnh. Địa bàn miền núi bao gồm, các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía Tây các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và Cam Ranh. Ở đây có các dãy núi cao như Vọng Phu, Tam Phong (Vạn Ninh), Đá Bàn (Ninh Hòa) Hòn Dữ, Hòn Dù, Hòn Giao (Khánh Vĩnh), Hòn Gầm, Ba Cụm, Tà Nỉa, Tà Luông, Man Han (Khánh Sơn)…

Địa bàn miền núi của tỉnh có thế liên hoàn, nối các vùng với nhau và nối liền với vùng rừng núi các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của 35 DTTS của tỉnh Khánh Hòa, trong đó đồng bào dân tộc Raglay chiếm đa số. Đồng bào các dân tộc có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, trung thực, chân thành, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm.

Theo ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh bình quân đạt 8,9%/năm; thu nhập bình quân đầu người của người DTTS năm 2021 đạt trên 14 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011.

Phó Chủ tịch thường trực HDDND tỉnh Trần Mạnh Dũng cùng Đoàn của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát về đề xuất xây dựng cầu Đa Râm, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh. (Ảnh: khanhhoa.gov.vn)
Phó Chủ tịch thường trực HDDND tỉnh Trần Mạnh Dũng cùng Đoàn của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát về đề xuất xây dựng cầu Đa Râm, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh. (Ảnh: khanhhoa.gov.vn)

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng DTTS và miền núi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân của cả nước.

“Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có các chính sách dân tộc; triển khai đồng bộ các biện pháp, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng... để kích động, gây mất ổn định vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS”, ông Thắng cho biết.

Trường học THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh được xây dựng khang trang.
Trường học THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh được xây dựng khang trang.

Đầu tư phát triển bền vững

Mặc dù đã đạt những thành tựu quan trọng, nhưng so với mặt bằng chung của tỉnh, thì địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một khoảng cách trong phát triển. Nhất là tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Dù trong giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh các nguồn lực khác, thực hiện Nghị định 05/2011/NDD-CP về Công tác dân tộc, tỉnh đã bố trí được hơn 280 tỷ đồng để đầu tư, nhưng giai đoạn 2021 - 2030 vẫn là 2 huyện nghèo 30a. Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, 2 huyện nghèo Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được hưởng những cơ chế, chính sách đặc thù riêng.

Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, Nghị quyết số 55/2022/QH15 quy định, HĐND tỉnh có thẩm quyền cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của địa phương mình và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Cơ chế, chính sách đặc thù này, sẽ giúp các địa phương trong tỉnh có điều kiện tốt hơn hỗ trợ cho 2 huyện miền núi khắc phục hạn chế và thực hiện mục tiêu phát triển 2 huyện miền núi trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Được biết, tranh thủ cơ hội từ Nghị quyết số 55/2022/QH15, huyện Khánh Sơn đã rà soát và kiến nghị đầu tư xây 6 công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, với tổng nhu cầu vốn khoảng 375 tỷ đồng; 3 công trình giao thông, với tổng nhu cầu vốn khoảng 170 tỷ đồng... Ngoài ra, huyện Khánh Sơn còn đề xuất hỗ trợ kinh phí hơn 29,6 tỷ đồng xây mới 742 căn nhà và hơn 15,1 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa 759 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương; hỗ trợ 12,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất cho người dân.

Còn huyện Khánh Vĩnh đề xuất thực hiện 10 công trình khắc phục hậu quả thiên tai, với tổng nhu cầu vốn hơn 90 tỷ đồng; 73 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng đồng bào DTTS, tổng nhu cầu vốn hơn 199 tỷ đồng; 6 công trình hệ thống nước sạch, tổng nhu cầu vốn 35,5 tỷ đồng; 2 công trình thiết chế văn hóa, tổng nhu cầu vốn khoảng 44 tỷ đồng…

Điện lưới được kéo về tận vùng sâu, vùng xa huyện Khánh Vĩnh.
Điện lưới được kéo về tận vùng sâu, vùng xa huyện Khánh Vĩnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, để tạo cơ hội mới thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài đầu tư phát triển trên các địa bàn này, thực hiện chủ trương đổi mới tư duy theo hướng tự lực tự cường, biến khó khăn thách thức thành cơ hội để phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ vận dụng hiệu các quả chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

“Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương, khắc phục hạn chế phát triển chênh lệch trong nội tỉnh. Hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, lấy nông nghiệp làm nền tảng để ổn định kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu, các ngành nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới để tạo nhiều việc làm cho người lao động. Phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch; khai thác tối đa các tiềm năng tự nhiên, đất đai, văn hóa của các khu vực”, ông Tuân cho biết.