Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khát vọng vươn tầm ở huyện nghèo Khánh Sơn

Hải Phong - 10:08, 15/11/2022

Xuất phát điểm là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, của tỉnh Khánh Hòa , chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của người dân, huyện Khánh Sơn đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo. Địa phương cũng xác định “chìa khóa” để xóa nghèo chính là tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Nhờ trồng sầu riêng mà gia đình ông Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung) đã thoát nghèo bền vững
Nhờ trồng sầu riêng mà gia đình ông Cao Mai Hùng (thôn Hòn Dung) đã thoát nghèo bền vững

“Chìa khóa” xóa nghèo

Trong cái nắng hanh hao của tháng 11, chúng tôi có dịp đến với huyện vùng cao Khánh Sơn. Men theo dòng sông Tô Hạp chảy ngược về phía Tây, từ xã Ba Cụm Nam, qua các địa phương: Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm đi xã Thành Sơn, xe chúng tôi bon bon trên những cung đường nhựa phẳng lỳ vào đến trung tâm xã. Đường bê tông cũng được đầu tư vào đến từng khu dân cư, khu sản xuất. Trong bóng mát của những vườn sầu riêng, vườn bưởi da xanh, chôm chôm… thấp thoáng những ngôi nhà bề thế của người dân vừa mới được xây dựng sau những vụ mùa bội thu. Những chiếc ô tô tiền tỷ cũng hiện diện rất nhiều ở huyện miền núi này.

“Khánh Sơn bây giờ khác lắm, nhà cửa thì khang trang, rất nhiều gia đình còn xây nhà ở kiểu biệt thự vườn, rồi mua sắm được cả ô tô đắt tiền. Nhiều hộ đồng bào DTTS ở đây đã thoát nghèo bền vững cũng nhờ trồng cây ăn quả, nhất là trồng cây sầu riêng”, ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp quả quyết với chúng tôi như thế.

Để minh chứng cho điều mình nói, ông Chóng đưa chúng tôi danh sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Sơn Hiệp năm 2022, trong đó có danh sách 9 hộ đã thoát ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo của xã trong năm 2022.

“Các anh chọn đi, tôi sẽ đưa các anh đến thăm bất cứ hộ nào trong danh sách này để thấy việc giảm nghèo của người dân Sơn Hiệp là thực chất”, ông Chóng nói.

Xem qua danh sách, chúng tôi đề nghị đến thăm gia đình ông Cao Mai Hùng - ở thôn Hòn Dung. Không được báo trước, nên khi chúng tôi đến, ông Hùng đang bận việc kéo dây tưới nước, cắt tỉa cành sầu riêng trong khu vườn rộng chừng 1 ha.

Ông Hùng cho hay, chỉ hơn 6 năm trước, gia đình ông ăn còn chưa đủ no, mặc còn chưa đủ ấm, nào dám mơ tưởng xe máy, tivi… Nhờ cây sầu riêng được trồng từ năm 2017, mà đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã đổi thay thực sự, 2 con vào đại học, cuộc sống trở nên khấm khá.

 “Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, trồng 140 cây sầu riêng trên diện tích khoảng 0,5 ha. Qua 2 năm thu hoạch, tôi đã có tiền làm được nhà, lo cho con ăn học, mua xe máy, tivi, tủ lạnh, đã thoát khỏi cảnh nghèo. Cây sầu riêng rất hiệu quả, nên tôi đã đầu tư chuyển đổi thêm 0,5 ha sang trồng sầu riêng”, ông Hùng chia sẻ.

Sinh hoạt văn nghệ của người Raglay ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn)
Sinh hoạt văn nghệ của người Raglay ở thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn)

Qua những xã, thôn đặc biệt khó khăn ở huyện nghèo vùng cao Khánh Sơn, chúng tôi không khỏi vui mừng khi nhiều hộ đồng bào DTTS các địa phương bây giờ đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, trở thành những “triệu phú” nhờ trồng cây ăn quả. Nhiều người trong số họ trở thành những “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: “Nhờ phát triển cây ăn quả, nhất là sầu riêng mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh, đến cuối năm 2020 chỉ còn 18,42%. Tuy nhiên, khi áp dụng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện xác định vẫn còn 3.530 hộ nghèo (chiếm 47,43% số hộ toàn huyện) và 1.405 hộ cận nghèo (chiếm 18,88%), đây là vấn đề khó khăn đặt ra đối với địa phương trong công tác giảm nghèo”.

Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn hy vọng, những năm tới, khi các diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng cách nay chừng 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch, thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ tiếp tục giảm nhanh và bền vững. Huyện xác định, phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, là một trong những “chìa khóa” để xóa nghèo cho người dân, trong đó sầu riêng là cây trồng chủ lực; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.

Cụ thể, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao, cũng như phát triển các cơ sở dịch vụ, du lịch; hình thành các trang trại trồng cây ăn quả, xây dựng các nhà vườn kiểu mẫu, các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan miệt vườn; quảng bá thương hiệu nông sản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hướng đến xuất khẩu chính ngạch…

Bên cạnh đó, huyện chú trọng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; đề án giảm nghèo vền vững, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất; giáo dục nghề nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả… để giúp người dân thoát nghèo.

Đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có 1.908 ha sầu riêng, sản lượng đạt khoảng 9.000 tấn; 752 ha chuối, sản lượng 3.881 tấn; 345 ha bưởi da xanh, sản lượng gần 1.000 tấn; 71 ha chôm chôn, sản lượng gần 100 tấn. Các loại cây ăn quả khác như: măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ Booth có diện tích khoảng 455 ha, sản lượng đạt gần 240 tấn; cây mía tím có 236 ha, sản lượng đạt hơn 11.100 tấn.

Khát vọng phát triển

Nghe có nhà báo ở dưới xuôi lên, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn gọi điện thoại mời chúng tôi ghé thăm. Ông chào chúng tôi với cách nói thân thương: “Nhà báo mới lên à!”. Nói rồi, ông mời chúng tôi nhấp ngụm trà vối, mở khay sầu riêng cấp đông để dành đãi khách. Ông cho biết đây đều là những sản phẩm của doanh nghiệp địa phương. Mùa này không còn sầu riêng quả tươi, nhưng sầu riêng Khánh Sơn cấp đông, hương vị cũng đặc biệt lắm!

Khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện giảm nghèo cho đồng bào DTTS, những khó khăn của địa phương về công tác này, như: Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thiện, hay vẫn còn đồng bào DTTS chưa biết cách làm ăn để tự mình vươn lên thoát nghèo… ông Mấu Thái Cư xua tay nói: “Phấn đấu đưa Khánh Sơn thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025 là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương. Chúng tôi xác định khó, nhưng phải làm cho bằng được, không có chuyện bàn lùi”.

- Không lẽ chỉ có quyết tâm là có thể xóa nghèo, thưa ông?, chúng tôi hỏi.

- Khánh Sơn từng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Khánh Hòa. Thung lũng Tô Hạp là “thung lũng tử thần” khiếp vía quân thù. Sau giải phóng, Khánh Sơn đã từng bước chiến thắng “giặc dốt”, “giặc đói”, chẳng lẽ chịu thua “giặc nghèo”. Huyện đã có đề án, mỗi năm sẽ giảm 6 - 8% hộ nghèo, để đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 23,7%, đáp ứng tiêu chí thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Chuyện giảm nghèo phải là thực chất, phải nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân, chứ không phải biến ảo số liệu để đạt được mục tiêu”, ông Mấu Thái Cư khẳng định chắc nịch.

Trong câu chuyện với lãnh đạo địa phương, chúng tôi phần nào hiểu được khát vọng vươn tầm của người Khánh Sơn. Khát vọng ấy có khởi nguồn từ sự quan tâm “đặc biệt” của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi nói đến hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa: “Khánh Hòa còn hai huyện miền núi (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh - PV) tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó trong các chương trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, Khánh Hòa cần tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo cho hai huyện miền núi, giảm sự chênh lệch phía đông và phía tây của tỉnh”, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như vậy trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII

Học sinh người Raglay ở Khánh Sơn đã được chăm lo việc học hành
Học sinh người Raglay ở Khánh Sơn đã được chăm lo việc học hành

Khát vọng vươn tầm của huyện nghèo Khánh Sơn còn được tiếp thêm động lực khi các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng đã có những định hướng, cơ chế đặc thù đề tỉnh Khánh Hòa tập trung nguồn lực, đầu tư cho hai huyện miền núi, trong đó có huyện miền núi Khánh Sơn phát triển nhanh, bền vững, trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.

Chúng tôi vẫn tâm đắc với câu nói của ông Mấu Thái Cư, rằng: “Định hướng, cơ chế, chính sách đặc thù là cơ hội, là động lực cho Khánh Sơn phát triển; phải lan tỏa được đến với mỗi nhà, từng người. Để hơn ai hết, người Khánh Sơn phải khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của mình; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhất là chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch… để nâng cao thu nhập, đời sống của từng hộ dân, từ đó mới giảm nghèo bền vững được”.

Những ngày ở miền núi cao Khánh Sơn, tìm hiểu cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhiều hộ dân, chúng tôi ghi nhận được những cách làm hay, những việc làm thiết thực, tác động trực tiếp đến việc giảm nghèo của địa phương như: Chuyện giữ đất cho đồng bào trong cơn sốt đất ở các địa phương nông thôn miền núi để người dân có tư liệu sản xuất; chuyện gửi thanh niên người đồng bào DTTS vào làm việc trong các nhà vườn của đồng bào người Kinh để học hỏi kinh nghiệm làm vườn về phát triển kinh tế gia đình mình; chuyện 1 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phục trách hỗ trợ, giúp đỡ 2 - 3 hộ đồng bào DTTS nghèo chưa biết cách làm ăn, hay những tấm gương đồng bào DTTS làm ăn khấm khá…

 Với những con người đầy quyết tâm, những cách làm sáng tạo, chủ động ấy, chúng tôi càng thêm tin tưởng Khánh Sơn sẽ sớm thoát khỏi danh sách huyện nghèo, để sớm vươn mình phát triển nhanh, bền vững, trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng như mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã đề ra.