Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khánh Hòa: Nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP

Thành Nhân - 09:38, 31/08/2020

Năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có 39 sản phẩm được định hướng đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Đây là những sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đang cần được các chủ thể sản xuất quan tâm nâng cao chất lượng.

Cây mía tím được huyện Khánh Sơn chọn làm sản phẩm OCOP năm 2020
Cây mía tím được huyện Khánh Sơn chọn làm sản phẩm OCOP năm 2020

Thời gian qua, các sản phẩm từ khu vực nông thôn được định hướng tham gia Chương trình OCOP ở Khánh Hòa ít nhiều đã để lại dấu ấn, trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân ở những địa phương có sản phẩm chất lượng. Chẳng hạn ở Cam Lâm có xoài, khoai sáp; Vạn Ninh có chả cá, dừa xiêm; Khánh Sơn có sầu riêng, mía tím; Khánh Vĩnh có dưa lưới, bưởi da xanh; Cam Ranh có tôm hùm, táo, thịt dê… 

Tuy nhiên, tính bền vững là yếu tố còn thiếu ở hầu hết các sản phẩm được làm ra từ khu vực nông thôn. Vì vậy, mục tiêu được nhắc đến nhiều trong Chương trình OCOP là làm sao xây dựng, phát triển được các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản phẩm ấy phù hợp với xu thế, đòi hỏi của thị trường.

Như trái xoài ở Cam Lâm, để gia tăng hơn nữa giá trị theo mục tiêu chính của OCOP, người trồng xoài Cam Lâm không chỉ đổi mới phương thức sản xuất, tuân thủ các điều kiện về an toàn sinh học, mà còn phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm chế biến từ trái xoài có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu… thay vì hầu như chỉ bán quả tươi vốn đang bấp bênh và nhiều rủi ro như hiện nay. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, đây là Chương trình mới, nội dung thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, như: Phần lớn sản phẩm đều được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, hạn chế về tư duy thị trường; các chủ thể sản xuất chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, chưa có kinh nghiệm trong xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án kinh doanh.

Ông Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh chia sẻ: Do các chủ thể là Hợp tác xã chưa được đào tạo kiến thức về quản trị kinh doanh, nên gặp khó khăn nhất định về đăng ký ý tưởng, xây dựng phương án kinh doanh, tự đánh giá, phân hạng sản phẩm… Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách OCOP ở một số xã chuyển vị trí công tác, người mới chưa được tập huấn nên khó hướng dẫn, không kịp thời theo dõi Chương trình. 

“Chúng tôi đề nghị tỉnh tăng cường đào tạo, tập huấn về Chương trình nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho chủ thể và cán bộ phụ trách. Đồng thời, đôn đốc các địa phương tổ chức đánh giá sản phẩm cấp huyện; tổ chức đánh giá sản phẩm cấp tỉnh khi có hồ sơ tham gia đánh giá của cấp huyện; tham gia đánh giá sản phẩm cấp quốc gia; tổ chức hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm cấp tỉnh”, ông Hải cho biết.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá: Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP tại Khánh Hòa vẫn đang tập trung nhiều cho hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là việc trang bị cho các chủ thể về ý tưởng sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh dựa trên ý tưởng đó. Tuy vẫn chưa được như mong muốn, nhưng những cố gắng, nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

“Đề nghị các sở, ngành tiến hành rà soát, triển khai các chính sách hỗ trợ theo chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Chương trình; chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại”, ông Hoàng chia sẻ thêm.