Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nâng chất nông thôn mới từ sản phẩm OCOP

Hồng Minh - 10:03, 19/08/2020

Năm 2020, huyện Đan Phượng (Hà Nội) phấn đấu có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Đây là một kỳ tích đối với một địa phương thuần nông đã “thoát ly” cây lúa, tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển cây ăn quả theo định hướng trở thành sản phẩm OCOP.

Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng
Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng

Thượng Mỗ là một trong số ít xã trên địa bàn huyện Đan Phượng không có nghề truyền thống, người dân cơ bản dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng không vì thế mà đời sống của người dân Thượng Mỗ khó khăn bởi đã chọn được cây trồng phù hợp, đó là cây bưởi. 

Hiện toàn xã có 121ha đất trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của xã) và đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ”. Sản phẩm “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ” đáp ứng đủ tiêu chí, trình Thành phố phân loại, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, tính bình quân, mỗi ha trồng bưởi tôm vàng cho giá trị khoảng 500 triệu đồng/năm. Nhờ đó, kinh tế của xã phát triển, góp phần thúc đẩy nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM. Xã Thượng Mỗ đang nỗ lực “về đích” NTM nâng cao vào cuối năm 2020 này.

Ngoài bưởi tôm vàng ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng có nhiều nông sản cho giá trị kinh tế cao. Đơn cử như sản phẩm hoa lily và hoa đồng tiền cho thu nhập 650 - 750 triệu đồng/ha/năm… 

Nhờ đó, thu nhập bình quân của huyện Đan Phượng hiện đạt gần 56 triệu đồng/người/năm với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,26%. Huyện đã có 9/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã còn lại sẽ “về đích” trong năm 2020.

Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, để nâng cao giá trị nông sản, huyện đã triển khai và áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc cho 20 sản phẩm. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tích cực đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Huyện đã và đang tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về Chương trình.

“Trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề có lợi thế, như: Nem, đậu, rượu nếp, rau an toàn, nấm... và sẽ hỗ trợ các nhóm sản phẩm này nâng cao chất lượng để hết năm 2020 có 107 sản phẩm được phân loại, xếp hạng OCOP”, ông Đạt thông tin.

Trong quá trình phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, huyện Đan Phượng thường xuyên tổ chức các hội nghị, diễn đàn để cung cấp kiến thức cho người nông dân. Gần đây nhất là diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” được tổ chức ngày 8/7/2020, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trên địa bàn. Tại diễn đàn, các đại biểu đã được ban cố vấn “Nhịp cầu nhà nông” là những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp tư vấn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết nắng nóng kéo dài, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và người nông dân. Do đó, Diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông” là cơ hội quý báu để nông dân trong huyện được trực tiếp trao đổi những vấn đề băn khoăn, những khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp với các chuyên gia, nhà quản lý.

Hết năm 2020, TP. Hà Nội phấn đấu có 779 sản phẩm được đánh giá công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện Đan Phượng đăng ký số lượng lớn nhất với 107 sản phẩm; tiếp đến là Hoài Đức 78 sản phẩm, Thạch Thất 66 sản phẩm, Gia Lâm 61 sản phẩm, Thường Tín 59 sản phẩm…