Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hướng đi mới cho nông nghiệp Lai Châu

Vân Ngọc - 16:07, 26/11/2019

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã có nhiều khởi sắc, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa. Cùng với đó, Đề án cũng đã thay đổi nhanh chóng tư duy sản xuất của người dân.

Nhiều giống lúa đặc sản của địa phương được khôi phục và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản xuất.
Nhiều giống lúa đặc sản của địa phương được khôi phục và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản xuất.

“Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp đạt 5,4 - 5,6% (năm 2018 tốc độ tăng trưởng đạt 5,6%), giữ vững an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, đạt mục tiêu Đề án đặt ra”, ông Hà Văn Um, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết.

Từ điểm xuất phát thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, máy móc sản xuất yếu kém, cơ cấu cây trồng đơn giản, phương thức sản xuất lạc hậu… đến nay nhiều địa phương đã vươn lên Top đầu của tỉnh về sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, ngay khi có chủ trương, huyện đã tiến hành rà soát quy hoạch các vùng sản xuất; xác định rõ vùng chè tập trung, cánh đồng lúa tập trung, khai thác tiềm năng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện. Đồng thời, tích cực vận động bà con thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mở lớp hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân hợp lý cho cây trồng; đưa các giống cây có năng suất cao vào sản xuất.

Nhờ sự tích cực vào cuộc của các địa phương, đến nay ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiện đại, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể như : Sản xuất lúa hàng hóa với quy mô trên 1.758ha tại Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; vùng thâm canh chuối với diện tích trên 3.600ha tại Phong Thổ; vùng cây ăn quả có múi và cây ôn đới với diện tích trên 1.000ha tại Tam Đường; vùng sản xuất chè chất lượng cao với tổng diện tích trên 5.000ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường… Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa như: Gạo Séng cù (Than Uyên), gạo Tẻ râu (Phong Thổ), chè (Tam Đường, Tân Uyên).

Điển hình là huyện Than Uyên, với xuất phát điểm 5ha chè. Hiện huyện đã trồng được hơn 1.000ha chè chất lượng cao; 1.300ha lúa chất lượng cao. Từ không có lồng cá, hiện huyện đã có 84 lồng cá ở 2 lòng hồ Thủy điện Bản Chát, Huội Quảng. Nhờ đó thu nhập của người dân cũng tăng lên từ 21 triệu đồng/người/năm (2015) lên 33 triệu đồng/người/năm (2018).

Ngoài vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất. “Triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, mang tính chiến lược như xác định cây trồng, vật nuôi, hàng chủ lực; chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng phát triển tập trung lương thực hàng hóa, vùng cây công nghiệp như chè, cao su, vùng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi đại gia súc; khai thác tiềm năng thủy sản; bảo vệ rừng”, ông Hà Văn Um cho biết.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ giống cây, phân bón, kỹ thuật, thu hút các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhân dân trong phát triển nông nghiệp; tận dụng nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…