Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làm nông nghiệp sạch ở miền núi Phú Yên

PV - 15:52, 05/03/2019

Dùng phân hữu cơ thay cho phân hóa học, lấy thiên địch phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật …; là những cách mà nông dân vùng miền núi của tỉnh Phú Yên đã và đang thực hiện để hướng tới sản xuất sạch. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường mà còn cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ ở miền núi Phú Yên phát triển tốt. Mô hình trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ ở miền núi Phú Yên phát triển tốt.

Ông La Văn Tỷ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên chia sẻ: Hiện nay, điều kiện đất, nước bị ảnh hưởng do lượng phân, thuốc hóa học tồn dư nhiều. Do vậy, sản xuất sạch là xu thế phù hợp để có một nền nông nghiệp bền vững vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, vừa tăng hiệu quả kinh tế. Thu nhập của người dân vùng miền núi phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, nên sự thay đổi kịp thời này là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Nông nghiệp nói chung và cho phát triển ổn định của vùng miền núi tỉnh Phú Yên nói riêng.

Thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng dùng những sản phẩm nông nghiệp sạch. Nắm bắt được nhu cầu này, một số nông dân miền núi đã đầu tư trồng các loại trái cây theo công nghệ sạch, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Anh Tạ Quốc Linh ở buôn Ea Mkeng (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) là một trong những người đi tiên phong trồng cam, quýt hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, thu nhập cũng cao hơn sản xuất thông thường.

Anh Linh cho hay, trong đợt Tết vừa qua, cam, quýt nhà anh không có đủ bán. Trong khi quýt tại các chợ, cửa hàng từ Đăk Lăk, Gia Lai đưa xuống không thiếu nhưng khách hàng vẫn chuộng trái cây từ trang trại của gia đình, vì sản phẩm sạch không có thuốc trừ sâu.

Không chỉ có cây ăn quả sạch mới thu hút người tiêu dùng mà những sản phẩm khác như: gạo đỏ lúa rẫy, gạo đồng sạch cũng được nhiều người quan tâm. Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: Người thân, bạn bè ở TP. Tuy Hòa, TX. Sông Cầu thường nhờ anh mua gom giúp gạo đỏ lúa rẫy, gạo đồng sạch. Mặc dù giá gạo loại này từ 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn trung bình từ 5.000 đồng/kg so với các loại gạo thông thường bày bán trên thị trường, nhưng họ vẫn mua.

Để có được hiệu quả kinh tế như hôm nay, theo anh Tạ Quốc Linh, 3 năm trước, anh đã chọn con đường sản xuất sạch. Anh Linh cho biết: Tôi mua đậu nành, bắp về xay nhỏ, kết hợp với cá tạp, ủ vôi và men vi sinh theo tỷ lệ và thời gian nhất định để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây. Nhờ thế, hệ vi sinh vật có lợi trong đất được khôi phục, đất không còn chai cứng, có thêm dưỡng chất nuôi cây và thu hút thiên địch tấn công lại sinh vật có hại. Cây lớn thì cỏ tạp cũng mọc nhiều, anh không dùng thuốc diệt cỏ mà dùng máy cắt cỏ rồi gom cỏ lại làm phân xanh. Năm đầu tốn công, tốn sức, kinh phí đầu tư, nhưng đến năm thứ hai, đất phục hồi lại thì mình khỏe vì giảm được rất nhiều chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Hơn hết là bảo vệ được sức khỏe gia đình và người tiêu dùng. Hiệu quả kinh tế cũng đạt cao, năm 2018, anh thu sản lượng 1-2 tấn/ha trái cây, mang lại thu nhập từ 200-300 triệu đồng.

Nếu như trước đây, rau sạch rất khó tiêu thụ do giá đắt hơn, thì nay bà Nguyễn Thị Ngân ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), không phải lo đầu ra. Các thương lái tới tận vườn của gia đình, nếu thực sự là sản phẩm sạch thì họ trả giá cao và lần sau mua tiếp, không sạch thì giá thấp, mua một lần rồi thôi.

Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên mô hình sản xuất nông nghiệp sạch ở miền núi Phú Yên được mở rộng. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh cho biết: Diện tích trồng cây ăn trái, rau màu và cây lương thực ở địa phương ngày một tăng. Đây là các loại cây phục vụ trực tiếp sinh hoạt hằng ngày của người dân nên vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm rất được quan tâm. Trong năm qua, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất, giúp người trồng tiếp cận với công nghệ sạch.

“Chúng tôi xác định, đây là mô hình điểm, làm tiền đề để người dân học tập rồi nhân rộng, sau đó từng bước xây dựng và tạo vùng nguyên liệu cây ăn trái, góp phần thay đổi tập quán canh tác tự cung tự cấp. Cuối cùng là nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tiến tới sản xuất gắn với công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông Sự chia sẻ thêm.

ĐẠT THÀNH NHÂN