Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hướng dẫn xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn để tránh bệnh dại

Như Ý - 13:40, 20/03/2024

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Để phòng tránh bệnh dại từ chó, mèo cắn chúng ta cần lưu ý cách xử lý vết thương sau đây.

(Tổng hợp) Hướng dẫn xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn để tránh bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người qua nước bọt bị nhiễm virus dại. Đa phần các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã mắc bệnh dại và lên cơn, dù là động vật hay con người đều dẫn đến tử vong.

Bệnh dại gồm các giai đoạn bệnh như sau: Giai đoạn ủ bệnh: Trung bình 20 - 60 ngày, nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau (y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 19 năm). Thời kì ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.

Giai đoạn khởi phát: Thường từ 2 - 10 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

Giai đoạn toàn phát hoặc "giai đoạn viêm não" thường có biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt kiểu hướng lên (hội chứng Landly) và thể hung dữ chiếm 80%. Giai đoạn này thường kéo dài 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.

Việc chẩn đoán bệnh dại thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.

Để chẩn đoán chính xác bệnh dại ngoài các biểu hiện, yếu tố dịch tễ, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm. Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập virus hoặc phát hiện RNA virus bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) từ nước bọt, dịch não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).

(Tổng hợp) Hướng dẫn xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn để tránh bệnh dại 1

Bên cạnh đó cũng cần quan sát vật đã cắn mình. Ở chó bị bệnh dại có 2 thể lâm sàng là thể điên cuồng và thể liệt. Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 5 ngày, chó dại thường bỏ ăn, những thói quen hàng ngày của nó bị thay đổi; nhiều khi thể hiện sự vui mừng hay hung dữ quá độ trong vòng vài giờ đến vài ngày. Sau đó là giai đoạn lên cơn, con vật luôn vận động, tiếng kêu khàn giọng, sủa kéo dài rồi rướn cao lên thành tiếng rú ghê rợn. Những kích thích nhỏ đều làm nó lên cơn điên dại, thường chồm vào người, súc vật hoặc đồ vật chung quanh và cắn rất mạnh.

Chó dại thường bỏ nhà, chạy rông và gặp bất kỳ ai cũng cắn. Sau vài ngày, nó phờ phạc, gầy mòn, kêu thất thanh rồi bị liệt và chết trong vòng 7 ngày. Trái lại, có loại chó dại lên cơn nhưng không hung dữ, chỉ nằm im một chỗ, nước bọt chảy nhiều, chó không sủa, không cắn và chết trong vòng từ 3 - 5 ngày.

Tuy nhiên cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dại từ chó, mèo cắn, sau khi bị cắn việc đầu tiên là chúng ta cần sơ cứu vết thương. Cần quan sát mức độ nghiêm trọng của vết cắn để biết cách xử lý kịp thời. Đối với vết thương không gây rách da thì nên rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước. Có thể bôi thuốc kháng sinh (dạng cream hoặc thuốc mỡ) lên vết thương để phòng ngừa.

Đối với vết thương gây rách da thì nên rửa kỹ vết thương bằng xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn i ốt; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương, ấn nhẹ lên vết thương để cho ít máu chảy ra, giúp loại bỏ ít vi trùng rồi bôi thuốc kháng sinh lên vết thương, băng vết cắn bằng băng vô trùng.

Đối với vết thương gây chảy máu cần đắp một miếng gạc lên vết thương và nhẹ nhàng ấn xuống để ngăn máu chảy, sau đó bôi thuốc kháng sinh lên vết thương, băng vết cắn bằng băng vô trùng.

Tất cả những vết thương do chó mèo cắn đều cần được theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, chạm vào đau...) cho đến khi hoàn toàn lành lặn.

(Tổng hợp) Hướng dẫn xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn để tránh bệnh dại 2

Ngoài việc sơ cứu vết thương do chó mèo cắn tại nhà, bạn cần đến gặp bác sĩ trong một số trường hợp như: Con chó cắn bạn không rõ đã được tiêm vắc-xin dại chưa hoặc có biểu hiện thất thường có vẻ bị bệnh. Vết thương không ngừng chảy máu hoặc gây ra đau nhiều. Vết thương sâu để lộ xương, tổn thương gân hoặc cơ. Vết thương có biểu hiện nhiễm trùng (sưng tấy đỏ, nóng, rỉ dịch hoặc mủ...) rò rỉ mủ hoặc chất lỏng. Bạn có biểu hiện sốt, mệt mỏi, rối loạn ý thức hoặc ngất.

Bệnh dại có khả năng gây tử vong nhưng có thể ngăn ngừa được khi nạn nhân được can thiệp y tế phù hợp ngay lập tức. Dựa trên điều kiện và tình trạng vết cắn, bác sĩ sẽ quyết định xem liệu có nên cho bạn tiêm vắc-xin ngừa dại hay không. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) trong các điều kiện như: Nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu. Nếu màng nhầy ở vùng da đã tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi mắc bệnh dại. Nếu con vật đã cắn người bị chết hoặc biến mất trong thời gian theo dõi, có biểu hiện hành vi không bình thường.

Tuy nhiên, nếu bạn bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục... phải tiêm vaccin phòng dại và huyết thanh kháng dại ngay, bất kể con vật cắn có bị dại hay không. Nếu đến tiêm muộn, hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm hoặc không còn tác dụng. Ngoài ra, những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như: nhân viên thú y, chăm sóc thú rừng, làm trong phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virus dại... cũng cần tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do bệnh dại ngày càng cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 01 ca).