Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS

Minh Thu - 05:51, 08/12/2023

Sau gần ba năm triển khai thực hiện Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhằm nhìn lại hiệu quả của Dự án, cũng như những bài học nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong những năm tiếp theo, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Hồ Xuân Trăng.
Ông Hồ Xuân Trăng.

Thưa ông, sau gần ba năm thực hiện Dự án 10, kết quả nổi bật tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS là gì?

Ông Hồ Xuân Trăng: Thông qua hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác tuyên truyền, vận động; các hội nghị, hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đến nay nhiều người dân vùng đồng bào DTTS đã có những nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Chương trình MTQG 1719 và công tác tuyên truyền, vận động. Từ những kỹ năng, kiến thức được bồi dưỡng qua các lớp tập huấn, Người có uy tín tích cực phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng, tham gia các hoạt động thuộc Chương trình MTQG 1719. Kết quả rõ nét nhất trong công tác tuyên truyền, vận động đó là vận động thành công 35 hộ gia đình hiến đất, rừng cao su để bố trí ổn định dân cư cho 146 hộ tại xã Thượng Long và Hương Huế của huyện Nam Đông. Qua quá trình triển khai thực hiện Dự án 10, Chương trình MTQG 1719, đã xuất hiện 170 gương điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực (trong đó có 35 Người có uy tín trong đồng bào DTTS; 27 nông dân; 29 học sinh, sinh viên và giáo viên; 52 nhân sĩ trí thức; 25 thanh niên và 2 doanh nhân).

Trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án 10, những thuận lợi và khó khăn đối với địa phương là gì, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Trăng: Có thể nói, với Dự án 10, các nội dung, cơ chế thực hiện tương đối rõ ràng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để địa phương tham mưu, thực hiện có hiệu quả Tiểu Dự án 1, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719. Song, có 2 nội dung mà địa phương nhận thấy còn bất cập và chưa thực hiện được. Đó là: Tại mục 32 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 64: Điểm a, khoản 2, quy định: “Khảo sát, phát hiện, lựa chọn tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Chương trình để xây dựng mô hình điển hình tiên tiến”. Tiếp đó, tại khoản b, nội dung “Đăng ký, phê duyệt mô hình” quy định: Mô hình do cấp xã, cấp huyện thực hiện… do Chủ tịch UBND huyện phê duyệt; Mô hình do các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện… trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt”.

Theo nội dung trên, mô hình này được tổ chức xây dựng không chỉ trong phạm vi vùng đồng bào DTTS mà còn cả trung tâm thành phố nơi các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện Chương trình đóng trụ sở và đối tượng thực hiện bao gồm tập thể, cá nhân. Song, nội dung số 01, Tiểu Dự án 1, Dự án 10, Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 quy định về đối tượng: “Già làng, trưởng bản, Người có uy tín, cán bộ cốt cán có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; Các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của đất nước”.

Đại biểu huyện A Lưới tham dự tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Đại biểu huyện A Lưới tham dự tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Được biết, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đã và đang làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG 1719, ông cho biết những kết quả cụ thể thông qua công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua?

Ông Hồ Xuân Trăng: Căn cứ Kế hoạch số 23/KH-BDT ngày 15/3/2023 của Ban Dân tộc tỉnh về kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Dân tộc ban hành công văn để tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát Chương trình năm 2022 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh từ ngày 26/7/2023 đến ngày 18/8/2023. Qua kiểm tra, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy: Nhìn chung lãnh đạo chính quyền địa phương đều nhận thức và có quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình, xem đây là nguồn lực quan trọng và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để lãnh đạo phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Hầu hết lãnh đạo và công chức được phân công nhiệm vụ đã cơ bản nắm bắt các cơ chế, chính sách, hướng dẫn của cấp huyện, tỉnh, Trung ương để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương bảo đảm mục tiêu, đối tượng, quy trình, thủ tục, nhất là các nội dung được phân cấp làm chủ đầu tư. Một số địa phương thể hiện khá tốt năng lực chủ đầu tư, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng; phát huy hiệu quả sự tham gia của người dân, cộng đồng (trong công tác lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng, giám sát…).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở một số địa phương có mặt còn hạn chế, như: Việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn chưa đúng quy định, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nơi chưa phát huy hiệu quả. Công tác lập kế hoạch thực hiện Chương trình ở nhiều địa phương chưa kịp thời, nội dung chưa bảo đảm; có địa phương chưa lập kế hoạch thực hiện Chương trình hằng năm. Một số địa phương nghiên cứu, nắm bắt cơ chế, chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình chưa đầy đủ; trách nhiệm, năng lực cán bộ, công chức tham mưu có mặt còn hạn chế; chưa phát huy hiệu quả sự tham gia của người dân và cộng đồng trong thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, một số nội dung Chương trình MTQG 1719 đã có đầy đủ hướng dẫn, cơ chế, chính sách nhưng các địa phương vẫn còn thụ động và chưa kịp thời tổ chức triển khai thực hiện. Như việc định hướng các dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất; lựa chọn, thành lập các nhóm, tổ tham gia các mô hình phát triển sản xuất. Thủ tục của một số quy trình thực hiện nội dung thành phần của Chương trình chưa bảo đảm theo quy định, chưa sát với điều kiện và tình hình thực tế...

 Văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được các già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên vận động con cháu, đồng bào bảo tồn, lưu giữ.
Văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được các già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên vận động con cháu, đồng bào bảo tồn, lưu giữ.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì với tỉnh, với Trung ương trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện Dự án 10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới?

Ông Hồ Xuân Trăng: Để nâng cao hiệu quả và thực hiện đầy đủ các nội dung thuộc Dự án 10, Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục giải đáp, làm rõ phạm vi, đối tượng xây dựng mô hình gương điển hình tiên tiến được quy định tại mục 32 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 64: Điểm a, khoản 2, Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023.

Tại mục 33 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 65: Dòng gạch (-) thứ 5, điểm b, khoản 2: “Tổ chức khảo sát đối tượng, điều kiện, nhu cầu, quyết định lựa chọn phương tiện nghe nhìn phù hợp…; ban hành quy định quản lý, sử dụng, nhằm nâng cao năng lực, khả năng tiếp nhận thông tin và phát huy hiệu quả thiết bị cấp cho Người có uy tín, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Như vậy, việc quy định: “ban hành quản lý, sử dụng” là rất khó thực hiện và làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết. Vì vậy, đề nghị sửa đổi cụm từ “ban hành quản lý, sử dụng” thành “hướng dẫn cách sử dụng” để địa phương dễ dàng thực hiện nội dung này.

Xin cảm ơn ông!