Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những tấm gương bảo tồn và trao truyền văn hóa dân tộc Thái ở xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 05:18, 04/12/2023

Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các phong trào, cuộc vận động phát động tại địa phương...Trong đó, phải kể đến vai trò của Người có uy tín trong nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và trao truyền lại cho các thế hệ sau.

Tại Hội nghị tôn vinh Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa, vừa diễn ra vào hồi tháng 10, có nhiều đại biểu tham dự ấn tượng với thành tích của ông Hà Nam Ninh, một trong những Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, góp phần vào xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh. 

 Ông Hà Nam Ninh được Chủ tịch UBND huyện Bá Thước tặng giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu. điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền ní huyện Bá Thước năm 2021-2023
Ông Hà Nam Ninh được Chủ tịch UBND huyện Bá Thước tặng giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu. điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Bá Thước năm 2021-2023

Với mong muốn tiếng nói, chữ viết của người Thái ở Thanh Hóa không bị mai một, nhiều năm nay, ông Ninh đã không ngừng lặn lội ngược xuôi để sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái cho con em dân tộc mình.

Theo lời ông Ninh kể, từ nhỏ ông đã yêu văn hóa dân gian của dân tộc Thái. Được gia đình cho ăn học rồi làm cán bộ, ông đã có cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về văn hóa của dân tộc mình. Sau 36 năm làm cán bộ ngành giáo dục, cán bộ huyện và nghỉ hưu năm 2004, ông về ở trong ngôi nhà sàn dựng theo nếp nhà của người Thái, nằm bên bờ sông Mã, ở thị trấn Bá Thước, chuyên tâm nghiên cứu về chữ Thái để trao truyền cho các thế hệ người Thái trẻ.

Những tài liệu quý bằng chữ Thái cổ viết từ hàng trăm năm trước được ông Hà Nam Ninh sưu tầm
Những tài liệu quý bằng chữ Thái cổ viết từ hàng trăm năm trước được ông Hà Nam Ninh sưu tầm

Ông Ninh cho biết, người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, là điểm mà nhiều dân tộc khác ở Việt Nam không có. Do đó, suốt 36 năm công tác, dù ở cương vị nào ông cũng luôn tâm nguyện là làm sao để chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy, không bị tàn lụi.

"Ở Thanh Hóa chưa có ai, đơn vị nào tổ chức dạy được chữ Thái, trong khi rất nhiều cán bộ ở các lĩnh vực cần biết tiếng để khi công tác những nơi có đồng bào Thái sinh sống có thể tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân. Đặc biệt, do quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa, nhiều con em người Thái lấy vợ lấy chồng là người dân tộc khác, thường xuyên dùng tiếng Việt, nên phần nào cũng đã ảnh hưởng tới việc lưu truyền tiếng Thái. Nên khi nghỉ hưu tôi quyết tâm thực hiện tâm nguyện dạy chữ cho con em dân tộc mình”, ông Ninh chia sẻ 

Năm 2015, ông Hà Nam Ninh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (về loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa) vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2006, sau khi biên soạn thành giáo án, ông Hà Nam Ninh quyết định mở lớp dãy chữ Thái miễn phí tại địa phương. Lớp học đầu tiên của ông có tới 22 người, là cán bộ đang công tác ở UBND huyện Bá Thước và một số người dân tộc Thái muốn học, biết sâu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

“Lớp thứ nhất rồi thứ hai, cứ thế ngày càng nhiều người muốn học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái. Thời điểm đầu, mỗi năm tôi tổ chức 3 - 4 lớp dạy chữ Thái, thời gian hoàn thành một lớp khoảng 3 tháng, học vào ngày thứ 7, chủ nhật”, ông Ninh nói.

Năm 2007, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã mời ông Hà Nam Ninh dạy cho 13 giáo viên của Trường đại học Hồng Đức để thực hiện đề án dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi 13 giáo viên được ông truyền dạy và trở thành giáo viên dạy chữ Thái, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã mở các lớp dạy tiếng Thái cho cán bộ.

“Hơn 10 năm qua tôi đã đi nhiều huyện, thậm chí đi cả tỉnh khác để dạy tiếng nói, chữ viết của người Thái cho hàng trăm người. Khi có nhiều người muốn học tiếng, học chữ tôi vui lắm, giờ tuổi đã cao nhưng còn sức là tôi còn tiếp tục dạy. Hiện nay, mỗi năm tôi tham gia dạy từ 8 - 10 lớp. Công việc cũng khá vất vả nhưng rất vui, vì tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy không chỉ cho chính người trong dân tộc mà nhiều người khác cũng biết”, ông Ninh nói.

Tại huyện Quan Hóa,  ông Cao Bằng Nghĩa,  74 tuổi, Người có uy tín ở khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân đang là một trong những Người uy tín, được các cấp tín nhiệm, người dân tin yêu kính trọng. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng bao năm nay, ông Cao Bằng Nghĩa vẫn say sưa bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Thái. Ông là người được ghi nhận  có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn và trao truyền “hồn cốt” văn hóa dân tộc Thái của mình.

Hiện, ông Cao Bằng Nghĩa là Chủ nhiệm CLB Khèn mường Ca Da, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội văn hoá dân gian, hội viên Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam…

Ông Cao Bằng Nghĩa giới thiệu những cuốn sách cổ của người Thái
Ông Cao Bằng Nghĩa giới thiệu những cuốn sách cổ của người Thái

Ông Cao Bằng Nghĩa chia sẻ: Dù ở cương vị công tác nào, hay kể cả khi về hưu thì niềm đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Thái nói chung và chữ viết nói riêng luôn cháy bỏng trong ông. Những năm qua, ông Nghĩa đã tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đấu mối với UBND xã Nam Xuân mở 2 lớp dạy chữ Thái cho cán bộ, Nhân dân trong và ngoài xã tham gia. 

Để thêm hứng thú cho học viên học chữ Thái, ông Nghĩa đã vận dụng các bài trường ca, dân ca, tục ngữ dân tộc Thái vào trong bài giảng để người học dễ dàng tiếp nhận. Từ những lớp học do ông Nghĩa sáng lập, đã đặt “nền móng” thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Quan Hóa phát triển mạnh mẽ, nhiều người dân tìm đến nhà nhờ ông dạy chữ. Đến nay, ông đã truyền dạy chữ Thái cổ cho 220 người, khèn bè cho 8 người, khèn đám ma cho 5 người, khèn Mông cho 7 người và sáo trúc cho 20 cháu nhỏ trong khu phố.

Đặc biệt, trong năm 2018, ông đã tham gia cùng Trường Đại học Hồng Đức biên soạn mảng văn hóa dân gian trong cuốn Dư địa chí huyện Quan Hóa; tham mưu cho Phòng Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện thành lập câu lạc bộ khèn bè Mường Ca Da, với 45 thành viên. 

Ngoài ra, ông Nghĩa còn sưu tầm các hiện vật lịch sử liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Thái huyện Quan Hóa và được tham gia trưng bày tại cuộc triển lãm 990 năm Thanh Hóa. Ông mong muốn, sau này huyện Quan Hóa có nhà sàn truyền thống hay bảo tàng sẽ mang ra trưng bày.

Ông Cao Bằng Nghĩa luôn nhiệt tình truyền dạy văn hóa dân tộc cho mọi người
Ông Cao Bằng Nghĩa luôn nhiệt tình truyền dạy văn hóa dân tộc cho mọi người

Cùng với việc tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, ông Nghĩa còn tham gia tuyên truyền, vận động người dân bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng “khu phố nông thôn mới”; “khu phố văn hóa”; tham gia xây dựng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến và các tổ quần chúng bảo vệ an ninh trật tự tại khu phố. Với các thành tích đã đạt được, ông Cao Bằng Nghĩa đã được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Đối với sự nghiệp văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, ông Ninh, ông Bằng là những cây đại thụ trong nghiên cứu, sưu tầm văn hóa người Thái, còn đối với hơn 200.000 người dân tộc Thái đang sinh sống ở Thanh Hóa, các ông là người con tiêu biểu của dân tộc mình.