Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người có uy tín ở Bắc Giang chung tay xây dựng thôn, bản giàu đẹp

Vân Khánh - 05:51, 06/12/2023

Toàn tỉnh Bắc Giang có 523 Người có uy tín ở 523 thôn, bản thuộc 82 xã, của 6 huyện Họ là những người có kiến thức, trách nhiệm, tận tụy với việc chung, đóng vai trò “hạt nhân” trong tuyên truyền, vận động bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi xây dựng nông thôn mới, gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và huyện Sơn Động khen thưởng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Sơn Động.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và huyện Sơn Động khen thưởng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Sơn Động.

Ở xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, ông Hoàng Văn Thành, dân tộc Tày được nhiều người biết đến là Người có uy tín tích cực vì việc chung. Thôn có hơn 100 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày. Trước đây, từ trục đường chính vào thôn là đường đất nhỏ hẹp, nhiều đoạn sống trâu, ổ gà, qua suối, ngầm rất khó đi lại. Cũng vì trở ngại này mà đời sống bà con luôn gặp khó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Vì vậy, phong trào cứng hóa đường giao thông theo Nghị quyết số 07/2017/NQ- HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh triển khai về thôn như luồng gió mới làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ông Thành bộc bạch: “Chủ trương, chính sách rõ ràng song lúc đầu không phải ai cũng nhận thức được ý nghĩa đúng đắn đó. Tôi kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích, khi người dân nghe, hiểu rồi thì việc khó thành dễ”. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, ông Thành vận động nhân dân hiến gần 2,7 nghìn m2 để mở rộng, nâng cấp đường trục thôn. Ước tổng giá trị đất và hoa màu quy đổi thành tiền trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đường làm xong đến đâu, việc đi lại thuận tiện đến đó, nông sản, vật nuôi của người dân tiêu thụ thuận lợi, được giá hơn. Từ địa bàn khó khăn, thôn Nà Vàng đã có 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; nhiều hộ có thu nhập từ chăn nuôi gà, trồng rừng kinh tế đạt hơn 300 triệu đồng/năm.

Người dân huyện vùng cao Sơn Động tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Người dân huyện vùng cao Sơn Động tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Bắc Giang có hơn 257 nghìn người DTTS, chiếm hơn 14 % dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế; trong đó có 6 DTTS có dân số đông gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao và Sán Chay (Cao Lan và Sán Chí). Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS và miền núi; nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. 

Thực tế đã minh chứng, ở đâu Người có uy tín phát huy vai trò thì tại nơi đó việc khó thành dễ. Nổi bật là trong vận động nhân dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự. 5 năm qua, Người có uy tín trong tỉnh đã tham gia hơn 1 nghìn buổi vận động người dân chung sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới; vận động hơn 4 nghìn hộ hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng, cứng hóa các tuyến đường, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê tươi đẹp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến hết tháng 11/2023, Bắc Giang có 6/10 huyện, 148 xã, 314 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều thôn, xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Già làng Đàm Xuân Tình tình nguyện dạy tiếng dân tộc Cao Lan và Sán Chí cho con em đồng bào dân tộc.
Già làng Đàm Xuân Tình tình nguyện dạy tiếng Cao Lan và Sán Chí cho con em đồng bào DTTS

Điểm sáng từ các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS và miền núi đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trên các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tích cực giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, vận động người dân trong thôn, bản xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi tệ nạn xã hội; tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn.

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Trung, Phó trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh), Người có uy tín trong đồng bào DTTS là “cánh tay nối dài” của chính quyền, cơ quan chức năng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vụ mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa hai thôn Vách Gạo, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) và Khe Táu, xã Yên Định (huyện Sơn Động) là một ví dụ. Vụ việc kéo dài hơn chục năm, đến năm 2021 mới được giải quyết dứt điểm. Kết quả này có sự tham gia tích cực của Người có uy tín tại địa phương, trong đó điển hình là ông Mễ Văn Oanh, dân tộc Cao Lan, Người có uy tín, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Khe Táu, xã Yên Định.

Đồng bào dân tộc huyện Sơn Động gìn giữ làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Đồng bào DTTS huyện Sơn Động tích cực gìn giữ văn hóa dân tộc


Hiện nay, đa số Người có uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi là đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn hoặc các tổ chức chính trị xã hội, các dòng họ ở địa phương. Để phát huy tốt vai trò của lực lượng này, đặc biệt là tham gia triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương quan tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt dư luận xã hội cho đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn. 

Theo đó, 10 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã phối hợp mở 144 lớp tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin thời sự đến hơn 20 nghìn lượt Người có uy tín. Nhằm tăng cường nắm tình hình tại cơ sở thông qua Người có uy tín, tháng 9/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập nhóm Zalo “Người có uy tín – Bắc Giang”. Nhóm hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện vì lợi ích cộng đồng, dân tộc; đồng thời thường xuyên thông tin, phản ánh tình hình địa bàn, tâm tư, nguyên vọng của nhân dân, việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách. Sau 2 tháng hoạt động, nhóm tiếp nhận hàng chục thông tin chất lượng, giúp cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt, hướng dẫn, có chỉ đạo, giải quyết phù hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, cũng như hóa giải các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân các dân tộc.