Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Hiệu quả tích cực từ chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn

Ngọc Thu - 09:00, 28/05/2025

Trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ 2021 - 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Hội LHPN huyện Đức Cơ tích cực truyền thông vận động phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em
Hội LHPN huyện Đức Cơ tích cực truyền thông vận động phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em

Mẹ an toàn, con khoẻ mạnh

Hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em là mô hình can thiệp thiết thực, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe sinh sản của phụ nữ, trẻ em DTTS - đối tượng vốn chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện sống và tiếp cận dịch vụ y tế.

Với đặc thù huyện biên giới Đức Cơ có 10 xã, thị trấn, trong đó có 45 làng vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 35% dân số, tình trạng tảo hôn, sinh con tại nhà và nhận thức hạn chế về chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn tồn tại.

Nhận thức của chị em phụ nữ trong sinh đẻ an toàn, chăm sóc trẻ em ngày càng được nâng cao
Nhận thức của chị em phụ nữ trong sinh đẻ an toàn, chăm sóc trẻ em ngày càng được nâng cao

Trước thực tế đó, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện Đức Cơ đã phối hợp với ngành Y tế triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn: chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đã có 112 trường hợp được hỗ trợ với tổng số tiền gần 249 triệu đồng. 

Cùng với đó, tổ chức 18 buổi tập huấn và truyền thông kiến thức kỹ năng sức khỏe sinh sản làm mẹ an toàn tại 8 xã với hơn 1.000 chị em tham gia. Xây dựng hàng chục sản phẩm truyền thông trên phương tiện truyền thông đại chúng, khảo sát và lắp đặt 15 pano tại 15 làng đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện dự án…

Thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở, hội thi, sinh hoạt chi hội, truyền thông mạng xã hội, hội viên, phụ nữ đã được tiếp cận thông tin, tư vấn bởi cán bộ y tế chuyên môn.

Chị Rơ Lan H’Thảo (làng Pnuk, xã Ia Kriêng) chia sẻ: Trước đây mình từng chứng kiến trường hợp trong làng sinh tại nhà, tự cắt nhau nên khiến trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng cuống rốn phải chuyển gấp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đứa bé cũng vì thế mà thường xuyên đau bệnh, ốm yếu, cũng có trường hợp tử vong. Thấy vậy, dân làng ai cũng sợ. Từ khi được chính quyền địa phương cùng Hội LHPN xã, nhân viên Trạm y tế xã tuyên truyền, mình có thêm nhiều kiến thức về sinh sản, chủ động đi khám thai định kỳ, lựa chọn sinh con tại cơ sở y tế thay vì sinh tại nhà như trước. Đặc biệt, được nhận gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn mình có thêm tiền mua sữa cho con và bồi dưỡng cho bản thân. Nhờ vậy, hai đứa trẻ nhà mình được sinh ra đều khỏe mạnh, mình vui lắm.

Đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em DTTS

Kết quả đạt được tại Đức Cơ, không chỉ phản ánh hiệu quả triển khai mô hình hỗ trợ sinh đẻ an toàn, mà còn cho thấy vai trò tích cực của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, vận động và bảo vệ quyền lợi phụ nữ DTTS. 

Những chuyển biến về nhận thức, hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh mà còn góp phần xóa bỏ những hủ tục, định kiến giới tồn tại lâu đời ở vùng cao.

Hội LHPN huyện Đức Cơ trao gói phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn cho các bà mẹ tại các làng đặc biệt khó khăn
Hội LHPN huyện Đức Cơ trao gói phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn cho các bà mẹ tại các làng đặc biệt khó khăn

Việc phối hợp hiệu quả giữa Hội LHPN và ngành Y tế đã tạo điều kiện để phụ nữ DTTS tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ y tế tại cơ sở, đồng thời tạo dựng niềm tin vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp Hội và ngành Y tế, nhiều phụ nữ đã thay đổi nhận thức, chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và lựa chọn sinh con tại cơ sở y tế. Tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt, thể hiện sự chuyển biến tích cực từ chính sách đến thực tiễn.

Phụ nữ DTTS quan tâm chăm sóc sức khoẻ của bản thân, thường xuyên thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế
Phụ nữ DTTS quan tâm chăm sóc sức khoẻ của bản thân, thường xuyên thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế

Để đảm bảo tính bao trùm và phát huy hiệu quả lâu dài, bà Rơ Châm H’Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Cơ cho biết: Đối với việc hỗ trợ chế độ sinh đẻ an toàn cho phụ nữ DTTS trên địa bàn còn khó khăn, tỉ lệ chưa cao, giải ngân thấp do đối tượng chủ yếu là phụ nữ DTTS sinh con thứ 3 trở lên. Vì vậy, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng thụ hưởng. 

Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất y tế, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, tăng cường công tác tuyên truyền, cần tiếp tục được ưu tiên, đẩy mạnh. Đặc biệt, chú trọng hơn nữa công tác truyền thông giáo dục cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ đúng đủ 18 tuổi sớm tiếp cận việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các trạm y tế, các trung tâm chăm sóc bà mẹ và trẻ em vùng DTTS.

Với những kết quả bước đầu tại huyện Đức Cơ, đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, xóa bỏ định kiến giới, từng bước trao quyền cho phụ nữ DTTS trong việc chăm lo sức khỏe, xây dựng gia đình và phát triển cộng đồng. Dự án 8 hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những chuyển biến tích cực, bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để thúc đẩy giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS

Sơn La: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để thúc đẩy giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS

Với tỷ lệ dân số là đồng bào DTTS cao, có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉnh Sơn La xác định công tác tuyên truyền, vận động là một giải pháp then chốt để “về đích” các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh. Các hoạt động này được triển khai với các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng địa phương và cộng đồng.