Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hành trình vượt khó của Sùng A Pó

Quỳnh Trâm - 11 giờ trước

Từ cậu bé chân đất, lội suối, băng rừng tìm chữ, đỗ đạt ra thành phố học học rồi lại trở về bản làng, đem tri thức và tâm huyết của mình cống hiến cho quê hương, anh Sùng A Pó, dân tộc Mông ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý đã trở thành điển hình về tinh thần ham học và nghị lực vượt khó nơi đại ngàn Pù Hu.

Đường vào bản Tà Cóm phải đi thuyền qua sông Mã
Đường vào bản Tà Cóm phải đi thuyền qua sông Mã

Đường "tìm chữ" gập ghềnh

Trong lớp sương mờ dày đặc buổi sớm nơi vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) dường như vẫn chìm sâu trong giấc ngủ của đại ngàn. Nhưng giữa chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy, có một ngọn lửa vẫn cháy âm ỉ không bao giờ tắt – ngọn lửa của khát vọng được làm chủ tri thức, làm chủ cuộc đời. Và ở đó có chàng trai người Mông dám vượt núi rừng để đi tìm “con chữ”, làm bệ phóng đổi đời cho chính mình và cho cả bản làng nghèo khó. Đó là Sùng A Pó – người Mông đầu tiên ở bản Tà Cóm đặt chân tới giảng đường đại học.

Sinh năm 1992, Pó vẫn nhớ như in, năm anh 2 tuổi, cha mẹ dắt tay anh rời quê cũ Phù Yên (Sơn La) theo con thuyền xuôi dòng sông Mã, vượt hàng chục ngọn núi, lội rừng cả chục ngày trời để đến vùng lõi Pù Hu, nơi chỉ có rừng rậm, muỗi vắt và những mái lều dựng tạm. Đó là năm 1994 – mở đầu cho cuộc mưu sinh giữa đại ngàn của gia đình anh.

Bốn năm sau, năm 1998, theo vận động của chính quyền, gia đình Pó và nhiều hộ dân chuyển về định cư ở bản Tà Cóm. Khi ấy, điểm trường mầm non, tiểu học đầu tiên được dựng lên từ những tấm liếp tre, phên nứa giữa rừng sâu. Đó cũng là lúc hành trình tìm chữ của những đứa trẻ Mông bắt đầu, trong đó có Pó.

Cuộc sống của đồng bào ở bản Tà Cóm còn gặp nhiểu khó khăn
Cuộc sống của đồng bào ở bản Tà Cóm hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Nhưng học hết tiểu học, đường đến trường với Pó ngày càng xa hơn, hiểm nguy hơn. Cấp 2, cấp 3, anh và bạn bè phải đi bộ vượt 50km đường rừng tới trung tâm xã Trung Lý, băng qua hàng chục con dốc dựng đứng, suối sâu, thậm chí cả rừng thú dữ. Có lần đi học qua bản Cá Giáng, Pó và nhóm bạn phải nín thở trốn sau gốc cây già suốt cả giờ đồng hồ vì một con hổ đang xé xác trâu rừng ngay bên đường mòn họ thường đi qua.

Hành trang mỗi chuyến đi học xa nhà chỉ có vài bộ quần áo cũ, cơm trắng, muối và ớt giã. Đói thì tranh thủ lên rừng đào măng, hái rau rừng nấu qua ngày. Vậy mà những bước chân nhỏ bé ấy chưa từng lùi bước.

Gia đình Pó nghèo, lại đông con – 9 anh chị em. Cái ăn còn thiếu, thì chuyện học hành là vô cùng khó khăn. Nhưng cha anh – một người Mông ít chữ nhưng nhiều khát vọng luôn nhắc đi nhắc lại một điều: “Khổ cũng phải cho con đến trường”. Chính sự kiên quyết và niềm tin ấy đã giữ Pó trên con đường học tập đến tận cuối cấp ba.

Năm 2015, chàng trai người Mông nhỏ con, đậm người, mang theo tất cả hy vọng của bản Tà Cóm, thi đậu vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, ngành Quản lý xã hội. Anh trở thành người đầu tiên trong bản biết thế nào là giảng đường, giảng viên, thư viện, trở thành tấm gương, người truyền cảm hứng cho một thế hệ trẻ nơi bản làng xa xôi dám mơ ước.

Không chỉ có Pó, các em của anh cũng noi theo bước chân về con đường tri thức ấy: người theo học đại học Y, người học trung cấp y sĩ, người xuất khẩu lao động… Gia đình từng nghèo nhất bản, giờ là một trong những hộ có kinh tế ổn định và có tri thức nhất Tà Cóm.

Sùng A Pó là người đầu tiên ở Tà Cóm đi học đại học
Sùng A Pó là người đầu tiên ở Tà Cóm đi học đại học

Truyền cảm hứng giữa đại ngàn

Tốt nghiệp đại học, không chọn phố thị, Pó chọn trở về bản làng nơi anh lớn lên để làm việc. Từ Bí thư bản Khằm, đến Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, rồi năm 2023 trở thành Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý, Sùng A Pó dần khẳng định vai trò của một người “cán bộ của lòng dân”. Anh không chỉ làm nhiệm vụ quản lý, vận động, tuyên truyền chính sách mà còn là cầu nối tin cậy giữa chính quyền với bà con người Mông. Những buổi xuống bản, anh luôn dùng tiếng Mông để trò chuyện, để giảng giải, để gieo hạt giống niềm tin.

Giờ đây, mỗi khi ngước nhìn về nơi những ngọn núi sẫm màu mây phủ quanh năm, Sùng A Pó lại thầm cảm ơn cha mẹ mình – người đã thắp lên ước mơ học chữ giữa rừng sâu. Cảm ơn thầy cô, những người từng đến dạy giữa bản nghèo bằng ánh đèn dầu tù mù. Cảm ơn những ngày vượt suối lội rừng, để hôm nay, từ chính nơi ấy, anh có thể trở thành người dẫn đường cho bà con mình vượt qua cái đói, cái dốt, cái lạc hậu.

Anh Thào A Sự, Trưởng bản Tà Cóm, chia sẻ: "Người dân ở đây tin tưởng Pó lắm. Bà con quen gọi là "cán bộ Pó". Gia đình Pó là tấm gương sáng để dân bản noi theo. Nhiều nhà tính cho con nghỉ học, đi làm nương rẫy, con gái thì lấy chồng sớm…, hay tin là cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng sẽ tìm đến tuyên truyền, vận động và đều lấy dẫn chứng từ Pó và gia đình Pó để vận động”.

Bản Tà Cóm 100% đều là đồng bào dân tộc Mông sinh sống
Bản Tà Cóm 100% đều là đồng bào dân tộc Mông sinh sống

Ở mảnh đất xa xôi, hẻo lánh như Tà Cóm – nơi mà cái nghèo, cái đói còn hiện hữu, việc tìm cái chữ vẫn còn rất khó khăn, thì Sùng A Pó là minh chứng sống làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Câu chuyện đời của Pó- từ một cậu bé Mông áo vá, chân đất, cơm nắm muối ớt vượt rừng đến trường nay đã là cán bộ trẻ năng động, tri thức..., đã trở thành “ngọn đuốc” dẫn dắt, lan tỏa tinh thần khát khao học hành, làm ăn, vươn lên của nhiều thanh niên trẻ ở Tà Cóm hôm nay.

Tin cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó tạo động lực để đồng bào DTTS thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản, làng ấm no, phát triển.