Năm 1964, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, TP. Tam Kỳ được chia thành hai vùng chiến lược: vùng đông là xã Kỳ Anh (nay là Tam Thăng), vùng tây là huyện Phú Ninh.
Địa đạo Kỳ Anh dài 32km, ở xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.Ngay từ những ngày đầu thực hiện nghị quyết giải phóng vùng ven đô, cán bộ và Nhân dân xã Kỳ Anh đã bắt đầu hình thành những căn hầm bí mật dưới nền đình làng – nơi vừa có vị trí thuận lợi, vừa gắn liền với tín ngưỡng dân gian, tránh được sự "dòm ngó" của địch.
Địa đạo được đào từ tháng 5/1965 đến 1967 hoàn thành, với vị trí chiến lượt gắn liền với làng Thạch Tân.Từ hai căn hầm ban đầu làm nơi cứu thương và chứa lương thực, đến tháng 5/1965, người dân cùng bộ đội và du kích đã bắt tay mở rộng thành hệ thống địa đạo quy mô lớn.
Địa đạo chia thành nhiều nhánh, nhưng đều thông với địa đạo chính, giúp quân và dân linh hoạt trong hoạt động chiến đấu.Bằng đôi tay trần và những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, trong suốt 2 năm, Nhân dân ta đã đào nên một địa đạo dài 32km, cao khoảng 0,8–1m, rộng 0,5–0,8m – một “thành lũy thép” nằm sâu dưới lòng đất.
Địa đạo như một thành lũy thép, giúp che giấu cán bộ, tạo sự linh loạt trong kháng chiến.Ông Huỳnh Kim Ta, đại diện Ban Quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh, xúc động kể lại: “Với sự hăng hái, quyết tâm của quân và dân ta, địa đạo được đào xuyên đêm từ 5 giờ chiều hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau liên tục trong 2 năm. Từng mét đất được đào lên đều phải ngụy trang kỹ lưỡng, đưa đi tản mác ở các vị trí kín đáo để tránh bị máy bay do thám phát hiện”.
Các miệng hầm thường nằm trong nhà dân, dưới gốc rơm, bụi tre... và được ngụy trang để giữ bí mật một cách tuyệt đối.Theo ông Ta, hệ thống địa đạo Kỳ Anh được xây dựng, không chỉ để trú ẩn mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ, chứa lương thực, thuốc men, tổ chức chỉ huy chiến đấu. Điều đặc biệt là, toàn bộ lối vào địa đạo đều được thiết kế kín đáo, nằm trong lòng làng – từ giàn bếp, chuồng bò, cây rơm, gốc tre… tất cả đều được ngụy trang cẩn mật.
Hầm cứu thương trong địa đạo.“Địa đạo nằm ngay trong làng, được người dân bảo vệ tuyệt đối. Chính sự bao bọc đó mà địa đạo có thêm cái tên đầy thân thương: "địa đạo trong lòng dân”. Các nhánh trong hầm đều nối liền với nhau, giúp bộ đội cơ động, ẩn náu, tiếp tế dễ dàng. Bên trong còn có đầy đủ hầm chỉ huy, trữ lương thực, thuốc men phục vụ kháng chiến lâu dài”, ông Ta nói.
Đường vào hầm chỉ huy của địa đạo.Hệ thống địa đạo tỏa ra từ nhiều điểm, nhưng đều dẫn về trục chính. Tại làng Vĩnh Bình, một nhánh địa đạo bắt đầu từ giếng nhà ông Hồ Kỳ, chia làm ba hướng: một vào làng, một vào nhà liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết – nơi có hầm bí mật dưới nền nhà, và một hướng ra bãi lau sậy 180ha ven sông Đầm – một “tấm áo tàng hình” cho bộ đội giữa những trận càn.
Hầm chỉ huy nằm sâu trong địa đạo.Đặc biệt, ở làng Thạch Tân, địa đạo lại bắt đầu từ ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi – nơi vừa là không gian tâm linh, vừa là căn cứ cách mạng. Dưới nền đình là hầm cứu thương và kho chứa lương thực.
Địa đạo nằm dưới đình làng cổ 300 năm tuổi Thạch Tân.Năm 1968, quân địch nghi ngờ nơi đây là trung tâm chỉ huy nên cho 4 xe tăng đến phá hủy đình. Chúng buộc dây xích vào cột đình, định kéo sập, nhưng cả bốn sợi xích đều bị đứt. Đình vẫn đứng vững giữa khói lửa – như một lời thề thiêng liêng của mảnh đất không chịu khuất phục.
Đình làng Thạch Tân qua bao năm tháng vẫn sừng sững, bên dưới là hầm cứu thương và tiếp tế lương thực.“Điều đó không chỉ là hiện tượng lạ, mà còn là niềm tin, là sức mạnh tinh thần lớn lao tiếp thêm nghị lực cho quân dân ta. Đến nay, trên thân các cột đình vẫn còn hằn vết đạn, dấu kéo xích – như chứng tích không thể phai mờ của một thời lửa đạn”, ông Ta chia sẻ.
Lối vào hầm cứu thương ở địa đạo Kỳ Anh.Với vị trí chỉ cách trụ sở chính quyền cũ 7km và căn cứ quân Mỹ khoảng 2km, địa đạo Kỳ Anh trở thành trung tâm chiến lược trong suốt cuộc kháng chiến. Theo ông Ta, từ năm 1965–1975, quân và dân Kỳ Anh đã tổ chức 1.052 trận đánh, tiêu diệt hơn 3.700 lính địch, bắn rơi 3 máy bay, phá hủy 15 xe quân sự.
Dấu tích thời chiến gắn với đình làng Thạch Tân và địa đạo Kỳ Anh.“Thời điểm ấy, làng Thạch Tân chỉ có 140 hộ với hơn 600 nhân khẩu, nhưng có tới 203 liệt sĩ và 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Toàn xã Tam Thăng có 1.252 liệt sĩ và 237 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – đó là những con số khiến chúng ta không thể nào quên”, ông Ta nghẹn ngào.
Những kỷ vật được tìm thấy tại địa đạo sau chiến tranh.Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến tháng 6/2017, tỉnh Quảng Nam chính thức đưa di tích này vào khai thác du lịch lịch sử. Dù một số hạng mục cũng đã xuống cấp theo thời gian, nhưng các khu vực trọng yếu như hầm chỉ huy, hầm cứu thương vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
Ông Huỳnh Văn Ta - Ban quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh giới thiệu với du khách về địa đạo.Hiện nay, chính quyền địa phương, ngành Văn hóa đang chung tay phục dựng, bảo tồn hệ thống địa đạo nhằm đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục về lòng yêu nước, về sự kiên cường và sáng tạo của người dân xứ Quảng trong chiến tranh cho người dân địa phương nói riêng và khách tham quan nói chung.
Địa đạo Kỳ Anh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997, và trở thành địa chỉ đỏ giáo dục về lòng yêu nước.“Địa đạo Kỳ Anh không chỉ là một công trình quân sự, mà còn là biểu tượng văn hóa – nơi kết tinh của lòng dân, trí dân và sức dân. Chúng tôi mong muốn thế hệ sau hiểu rằng để có được độc lập, tự do hôm nay là nhờ máu xương và sự hy sinh thầm lặng nhiều người, nhiều vùng quê anh hùng, trong đó có vùng quê hương xứ Quảng”, ông Huỳnh Kim Ta nói thêm.