Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Giang: Nỗ lực trở thành trung tâm dược liệu quốc gia

PV - 10:40, 08/07/2019

Với điều kiện tự nhiên đặc biệt ưu đãi, Hà Giang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển ngành dược liệu theo hướng tập trung, quy mô lớn phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa ngành dược liệu, tỉnh vẫn cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Những năm gần đây, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là những ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dược liệu. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu; 100% lãi suất vay vốn để xây dựng vườn ươm giống dược liệu với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản.

Đặc biệt, Hà Giang còn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến dược liệu như: hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/nhà máy chế biến dược liệu; hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đặt tại tỉnh (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) với thời gian hỗ trợ 60 tháng...

Người dân trồng cây dược liệu actiso ở Hà Giang. Người dân trồng cây dược liệu actiso ở Hà Giang.

Nhờ có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách nói trên nên từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã trồng mới được trên 4.682ha dược liệu, trong đó có trên 850ha dược liệu trong danh mục ưu tiên phát triển như: đương quy, đan sâm, giảo cổ lam, sinh địa…

Bên cạnh đó, Hà Giang cũng đã thực hiện quản lý 8 đề tài, dự án về dược liệu cấp tỉnh; đặt hàng 4 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi về dược liệu.

Với nhiều giải pháp linh hoạt, đến nay tỉnh Hà Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào phát triển dược liệu. Điển hình như: Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu, tiến hành trồng được 72ha cây thảo quả, 10ha cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng xong phòng khám bệnh y học cổ truyền, nhà điều hành và đang khẩn trương hoàn thành khu nhà phục vụ nghỉ dưỡng du lịch…

Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Y học bản địa Quyết Tiến (thôn Đông Kinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) đơn vị đang hoạt động rất hiệu quả trong khâu liên kết, sản xuất và chế biến dược liệu của Hà Giang. Anh Vàng Thìn Nghìn, Phó Giám đốc HTX cho biết, năm 2013, anh mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp không hiệu quả của gia đình sang trồng cây dược liệu. Đến năm 2016, HTX tiếp tục vay vốn để thuê đất liên kết trồng thêm 15ha dược liệu. Năm 2018, thu nhập từ bán dược liệu của HTX ước tính vào khoảng 3 tỷ đồng. Cùng với đó, HTX bảo đảm cho khoảng gần 40 công nhân người địa phương có việc làm liên tục, với mức thu nhập gần 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, toàn huyện có 145 ha cây dược liệu. Diện tích các loại cây dược liệu ở huyện ngày càng tăng đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Thu nhập từ dược liệu của các HTX và Nhân dân các xã, thị trấn cũng tăng theo, trung bình từ 100-150 triệu đồng/hộ/năm.

Tuy nhiên, theo ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cần giải quyết nếu muốn đưa Hà Giang trở thành trung tâm dược liệu quốc gia. Trước mắt và lâu dài, Hà Giang cần hoàn thiện lại quy hoạch phát triển vùng dược liệu theo hướng cụ thể đến từng cây, từng vùng và từng doanh nghiệp. Đồng thời, gắn sản phẩm nông nghiệp, du lịch với dược liệu là động lực cho phát triển kinh tế; hỗ trợ những cơ sở chế biến, xây dựng chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm chức năng và sản phẩm thuốc từ dược liệu. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân vùng phát triển trồng dược liệu về kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu…

HOÀNG QUÝ