Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Góp tiếng nói bảo tồn, phát triển then

PV - 19:05, 21/07/2021

Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm, nhóm tác giả Nguyễn Văn Bách (chủ biên), Nông Thị Cúc, Nguyễn Thị Thắm đã cho ra mắt cuốn sách “Tàng pựt mừa đẳm” (Đường then về tổ) - Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, phát hành năm 2021. Công trình này được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo biên soạn.

Chủ biên của cuốn sách - Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách (đứng giữa) thực hiện nghi lễ trong diễn xướng then. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chủ biên của cuốn sách - Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách (đứng giữa) thực hiện nghi lễ trong diễn xướng then. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuốn sách dày hơn 300 trang được thiết kế theo 2 phần rõ ràng, mạch lạc. Phần thứ nhất: “Diễn xướng then trong đời sống người Tày” đã giúp độc giả có cái nhìn khái quát về giá trị của then trong đời sống người Tày, đó là các giá trị về âm nhạc, múa, mỹ thuật, tư tưởng, ngữ văn, phong tục tập quán và lễ nghi truyền thống. Phần thứ hai: “Tàng pựt mừa đẳm” giới thiệu 20 văn bản then cùng với 2 phiên bản nguyên bản tiếng Tày và dịch tiếng Việt mà ở đó chúng ta có thể bắt gặp những bài hát rất thú vị gắn với đời sống sinh hoạt thường ngày của người Tày, như: “Tức Pi-a” (đánh cá), “Thấu nạn” (săn nai), “Tò mạy” (chặt cây), “Pắt Mèng Ngoảng” (bắt ve sầu), “Slự vài” (mua trâu)... Đặc biệt, ở phần dịch nghĩa tiếng Việt, nhóm tác giả đã có những nghiên cứu chuyên sâu để giải thích cặn kẽ, chi tiết về từng hoạt động gắn liền với các bài hát để người đọc có thể hình dung được cuộc sống của người Tày cũng như mối liên hệ giữa cuộc sống của họ với các bài hát then.

Cuốn sách là sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học và dịch thuật một cách nghiêm túc, chỉn chu từ văn bản được dùng trong đại lễ “Lẩu then” của đồng bào Tày vùng cánh đồng các xã Tri Phương, Quốc Khánh của huyện Tràng Định (Lạng Sơn). So với các vùng khác, vùng Tràng Định gọi diễn xướng then là “pựt”, do vậy nhóm tác giả đã đề “Tàng pựt” thay cho “Tàng then” để thể hiện sự tôn trọng đối với ngôn ngữ địa phương.

Như chúng ta đã biết, từ lâu, Tràng Định được biết đến là địa danh có nghệ thuật diễn xướng then Tày truyền thống lâu đời và được thừa nhận là vùng then quan trọng không chỉ của tỉnh Lạng Sơn mà còn của cả vùng Việt Bắc rộng lớn.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật diễn xướng then Tày của xã Thất Khê (nay là thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) đã được các nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lưu lại trên các bưu ảnh và phát hành cả ở Việt Nam cũng như tận nước Pháp xa xôi.

Năm 1967, Đoàn Ca múa dân gian khu tự trị Việt Bắc (nay là Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc - Thái Nguyên) đã cử đoàn cán bộ đến xã Đại Đồng (huyện Tràng Định) để sưu tầm then “Tò mạy” từ nghệ nhân Nguyễn Thị Bình. Điệu then này hiện đã phổ biến trên khắp các sân khấu chuyên nghiệp cũng như quần chúng và được sử dụng để làm nhạc múa đệm cho công tác giảng dạy múa dân gian dân tộc Tày trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Đặc biệt, năm 2017, Tràng Định có 2 nghệ nhân hát then là Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Văn Bách được Viện Văn hóa thế giới Paris (Pháp) mời sang trình diễn then phục vụ công chúng tại “kinh đô ánh sáng”.

Tiếp nối truyền thống lịch sử ấy mà trong cuốn sách “Tàng pựt mừa đẳm”, nhóm tác giả - những người con tâm huyết với nghệ thuật then truyền thống của mảnh đất Tràng Định đã sưu tầm, giới thiệu 20 văn bản then quý từ nghệ nhân thực hành then tâm linh Nông Thị Cúc (sinh năm 1933, nguyên quán xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định). Nghệ nhân Nông Thị Cúc chính thức tham gia thực hành nghi lễ then từ năm 14 tuổi và là truyền nhân cuối cùng của dòng then “khách” ở xã Quốc Khánh - một dòng then có màu sắc âm nhạc vui tươi, mạnh mẽ và lời ca thấm đẫm chất tự sự. Do được tiếp xúc và học hỏi từ các nghệ nhân tiền bối đã hành nghề từ thế kỷ trước nên nghệ nhân Nông Thị Cúc vẫn giữ được những lề lối cổ chưa bị pha tạp, thay đổi.

Điều đáng quý là trong các văn bản của nghệ nhân Nông Thị Cúc mang nhiều giá trị về ngôn ngữ vì hàm chứa rất nhiều từ ngữ Tày cổ mà cho đến nay không còn hiện diện trong đời sống thường ngày. Ngoài ra, ở những văn bản này còn có rất nhiều ngôn ngữ tiếng Việt đan xen. Tất nhiên, điều đó đã gây không ít khó dễ cho nhóm tác giả trong công tác dịch thuật nhưng lại là bằng chứng rõ nét cho sự giao lưu văn hóa Tày - Việt và là hướng mở cho công tác nghiên cứu lịch sử, nguồn gốc hình thành và phát triển tộc người. Điều đặc biệt nhằm đưa đến độc giả cái nhìn thực tế và sâu sắc về văn bản nên nhóm tác giả đã lựa chọn phương pháp dịch nghĩa và dịch ý thay vì dịch theo thơ sẽ bị phụ thuộc vào thơ.

Bìa cuốn sách “Tàng pựt mừa đẳm”. Ảnh: Ngô Khiêm
Bìa cuốn sách “Tàng pựt mừa đẳm”. Ảnh: Ngô Khiêm

Trong cuốn sách này, nhóm tác giả cũng đã có những phân tích, dẫn chứng hết sức tâm huyết để “hiến kế” cho công tác bảo tồn và phát huy then trong đời sống đương đại, như: Nhanh chóng nghiên cứu, ghi chép, ghi âm vốn then cổ trong dân gian; đẩy mạnh giảng dạy hát then trong các trường học; cải biên, nâng cao và đặt lời để đưa then lên sân khấu chuyên nghiệp...

Từ những ý kiến đó, nhóm tác giả cũng đã mạnh dạn khẳng định: “Những tiết mục hát then đã cải biên sẽ trở thành điểm nhấn cho các chương trình nghệ thuật, trở thành “đặc sản văn hóa” rất quý giá để các tỉnh miền núi phía Bắc đem “khoe” với bạn bè bốn phương. Những bài then đã cải biên theo các chủ đề, các chương trình của Đảng và Nhà nước còn là nguồn tư liệu “cổ động” rất sinh động và thiết thực khi tuyên truyền tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi”.

Chủ biên của cuốn sách - nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh: “Then là tài sản vô giá không chỉ của người Tày - Nùng mà còn là của chung của nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy hát then không chỉ là của riêng ngành văn hóa mà nó còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, đặc biệt là ở những người con của quê hương Việt Bắc, những người con của dân tộc Tày - Nùng. Nếu chúng ta không bảo vệ được hát then thì chúng ta đã mắc tội với ông bà, tổ tiên và con cháu đời sau vì đã làm mất đi “kho báu” vô cùng quý giá mà phải rất lâu nữa chúng ta cũng ko thể gây dựng được”.