Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông thôn mới

Để Then hòa vào dòng chảy cuộc sống hiện đại

Hoàng Thị Hiền - 10:05, 18/12/2020

Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then do các thầy Then thực hiện trong các lễ cấp sắc, giải hạn, cầu phúc, tang ma… Hiện nay việc bảo tồn, phát huy giá trị của Then trong đời sống hiện đại đang có nhiều khởi sắc.

Một tiết mục hát Then nghi lễ tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày- Nùng- Thái toàn quốc lần thứ VI. Ảnh Ngọc Ánh
Một tiết mục hát Then nghi lễ tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày- Nùng- Thái toàn quốc lần thứ VI. Ảnh Ngọc Ánh

Then “xuất ngoại”

Cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng rất có ý thức bảo tồn nghi lễ Then, thể hiện ở việc bà con vẫn mời thầy Then về nhà thực hiện các nghi lễ như: lễ cầu con, đầy tháng, cưới, hỏi, chúc thọ ...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, một thầy Then trẻ tuổi ở tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Sách về Then thì có ít, nếu có cũng chỉ viết bằng chữ Nôm, chữ Tày, không có sách cổ viết bằng chữ quốc ngữ. Bây giờ các nhà nghiên cứu văn hóa về ghi âm và dịch ra chữ quốc ngữ thì thế hệ trẻ mới tiếp cận Then dễ dàng hơn. Nếu muốn học hát Then - đàn Tính thì phải hiểu tiếng Tày và nói được tiếng Tày. Bảo tồn phát triển nghi lễ Then cần song song với việc bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người Tày, người Nùng thì mới hiệu quả”.

Thầy Then Nguyễn Văn Thọ đang làm lễ.
Thầy Then Nguyễn Văn Thọ đang làm lễ.

Tháng 10/2017, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, nghệ sĩ Xuân Bách, Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Lìm và các nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, Chu Văn Minh, Nông Công Nam được tham gia biểu diễn Then tại Nhà hát Mandapa trong Chương trình “Le then des Tày et Nùng” trong Lễ hội Âm nhạc thế giới, do Viện Văn hóa thế giới Paris (Cộng hòa Pháp) tổ chức.

Theo yêu cầu của Nhà hát, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã thiết kế sân khấu biểu diễn theo không gian thờ tự truyền thống của các thầy Then. Thủ đô Paris cách vùng Then Việt Bắc gần nửa vòng trái đất, nên tất cả phương tiện phục vụ đêm diễn, từ nén nhang đến bát gạo, các nghệ nhân, nghệ sĩ đều phải chuẩn bị từ Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên một sân khấu biểu diễn đậm chất Then, khiến người xem như đang đắm chìm trong Then Việt Bắc tại chính xứ sở người Tày, Nùng.

Then được sân khấu hóa để đến gần hơn với đông đảo khán giả. (Ảnh Ngọc Ánh)
Then được sân khấu hóa để đến gần hơn với đông đảo khán giả. (Ảnh Ngọc Ánh)

Quảng bá Then bằng sân khấu hóa

Nghệ sĩ Xuân Bách, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cho rằng: Việc đưa Then lên sân khấu đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ cao tuổi thực hiện từ rất lâu. Từ những năm 1950-1960, đã có nhiều bài Then của các nhạc sĩ Hoa Cương, Đinh Quang Khải được phát trên sóng Đài Phát thanh khu Tự trị Việt Bắc qua giọng hát của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ như Bích Thu, Hà Bời, Kim Hân, Thu Hà… Đưa Then lên sân khấu là đưa những điều tốt đẹp nhất, dễ đi vào lòng người nhất để tất cả chúng ta cùng bè bạn khắp bốn phương biết được những điều đặc sắc của hát Then. Chính vì thế, Then mới được bay cao, bay xa khắp mọi miền và để các thế hệ gìn giữ và bảo tồn Then.

Tái hiện một phân cảnh Then nghi lễ trên sân khấu
Tái hiện một phân cảnh Then nghi lễ trên sân khấu

Thầy giáo Doãn Long, người đã gắn bó nhiều năm với mảnh đất đậm nét văn hóa Tày ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) nhận xét: Khi nghe các nghệ nhân biểu diễn, tôi biết có hai loại Then cổ và Then mới. Then cổ thể hiện rõ nét văn hóa cổ xưa của đồng bào Tày, Nùng. Vì thế người nghe phải thực sự am hiểu văn hóa của người Tày, người Nùng mới cảm nhận được sự sâu sắc của làn điệu cũng như cách thể hiện.  Còn Then mới mang nhiều màu sắc sân khấu hơn, người nghe cảm thấy vui nhộn, dễ nghe hơn. Cả hai dòng Then đều đậm đà, đều có nét riêng, để hòa mình vào cuộc sống hiện đại.

Then vẫn tồn tại trong mỗi bản của người Tày Nùng từ đời này sang đời khác trong lễ đầy tháng, cưới hỏi, ma chay, đoạn tang, giải hạn... Then được người xa quê đem theo đến vùng đất mới làm ăn. Then được đưa vào nhà trường dạy học, biểu diễn ở cơ quan, khu du lịch, lễ hội, từ trung ương đến địa phương, thậm chí sang cả nước ngoài. Then mới hay Then cổ vẫn tồn tại song hành, bổ sung cho nhau, vừa bảo tồn, vừa quảng bá văn hóa dân tộc. Đặc biệt khi Thực hành Then được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 12/12/2019 càng mở ra cơ hội để Then hòa vào dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Lìm (áo xanh, ngồi giữa) và các để tự thể hiện một trích đoạn Then nghi lễ tại phố cổ- Hà Nội. Ảnh : Ngọc Ánh
Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Lìm (áo xanh, ngồi giữa) và các để tự thể hiện một trích đoạn Then nghi lễ tại phố cổ- Hà Nội. Ảnh : Ngọc Ánh
Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) tỉnh Trà Vinh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng lộ trình để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch trình Ban Chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã linh hoạt chọn ưu thế, tiềm năng về nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.