Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng

Nguyễn Thanh - 06:52, 31/10/2022

Cồng chiêng được đồng bào các dân tộc xem như là báu vật, là biểu tượng cho quyền lực linh thiêng. Giữ hồn cồng chiêng cũng chính là gìn giữ sợi dây “thanh âm huyền bí” trong các nghi lễ truyền thống, lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương, giữ bản sắc văn hóa của đồng bào...Do vậy, bao năm nay, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các nghệ nhân ở bản làng đã có trách nhiệm, bảo ban nhau giữ gìn, nâng niu trân quý cồng chiêng

Cồng chiêng có mặt trong nhiều hoạt động lễ hội của đồng bào các DTTS Tây Nguyên
Cồng chiêng có mặt trong nhiều hoạt động lễ hội của đồng bào các DTTS Tây Nguyên

Thanh âm huyền bí giữa đại ngàn

Nói đến cồng chiêng, không thể không nghĩ đến vùng đất đại ngàn Tây Nguyên. Với cộng đồng các DTTS Tây Nguyên, cồng chiêng là linh khí quan trọng trong các nghi lễ. Bởi giá trị đó nên nó được người Tây Nguyên coi là biểu tượng của quyền lực, là vật để giao tiếp giữa con người với thần linh. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền đã bắt đầu điền dã Tây Nguyên từ năm 2004, khi ông cùng đoàn chuyên gia làm hồ sơ, đề nghị UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Ông cho rằng: Cồng chiêng Tây Nguyên được đánh giá ở tầng bậc nghệ thuật cao nhất của vùng Đông Nam Á. Bất cứ ai lần đầu tiên được biết tới cồng chiêng Tây Nguyên, đều bị ám ảnh bởi sự huyền hoặc của nó.

Có một điều rất đặc biệt, hễ ở đâu có bản làng, ở đó có cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng có mặt ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới... Và thanh âm ấy luôn là thứ được cất lên đầu tiên của mỗi nghi lễ.

Cũng như đồng bào Tây Nguyên, các DTTS nơi miền Tây xứ Nghệ bao thập kỷ qua, cũng xem cồng chiêng là báu vật, âm thanh kết nối với thần linh, là tiếng nói mang tâm tư, tình cảm của mình...

Bà Cụt Thị Hợi,Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu của đồng bào các DTTS ở miền tây Nghệ An. nếu người Mông thường dùng chiêng trong nghi lễ cúng tế trang nghiêm, thì người Thái, người Khơ Mú lại dùng cồng chiêng trong ngày hội, ngày tết với ý nghĩa vui vẻ, phấn khởi. 

Dàn chiêng Mường tại Nhà sàn Di sản, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Dàn chiêng Mường tại Nhà sàn Di sản, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Đối với người Mường, ở Thanh Hóa, cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động trong đời sống. Đầu năm mới, cồng chiêng theo các phường xắc bùa, mang may mắn đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma; khi kéo gỗ làm nhà, trong các cuộc đi săn, cồng chiêng tạo nên sức mạnh đoàn kết; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no...

Nghệ nhân Phạm Vũ Vượng, thôn Quang Thuận, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc  kể: tiếng cồng chiêng ngân vang là thời khắc báo hiệu một sự kiện trọng đại đang diễn ra mà con người chính là chủ thể. Theo quan niệm của người Mường, vạn vật đều có linh hồn, những thầy cúng, thầy mo cho rằng, chỉ có thanh âm của cồng chiêng mới có thể kết nối các linh hồn, vạn vật với nhau.

Sự hiện diện của văn hóa cồng chiêng không chỉ trong ngôi nhà sàn, bên cạnh cầu thang, bên bếp lửa, trên nương rẫy hay các lễ hội. Âm thanh ấy là tiếng nói cộng cảm, là ước mơ, khát vọng, là niềm vui, nỗi buồn và thông điệp trao gửi giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng với thế giới thần linh. Văn hóa cồng chiêng không chỉ có giá trị âm nhạc, lịch sử, nghệ thuật biểu diễn… mà còn có giá trị về tâm linh, trở thành chất xúc tác không thể thiếu đối với đời sống tinh thần cộng đồng các DTTS.

Nghệ nhân Đinh Jrang dạy đánh chiêng cho thiếu nhi trong làng
Nghệ nhân Đinh Jrang dạy đánh chiêng cho thiếu nhi trong làng

Quyết tâm gìn giữ

Khi nhận ra nguy cơ thất truyền vật thiêng của bản, của mường, không ai khác, chính lớp người già lại là những người trăn trở, nặng lòng gìn giữ cồng chiêng như chính con ruột của mình.

Đến làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai) sẽ ấn tượng với âm thanh của đội cồng chiêng thiếu nhi nơi đây. Trong số những người có công gìn giữ, vận động người dân thành lập đội cồng chiêng của làng, phải kể đến Nghệ nhân ưu tú Đinh Jrang.

Ông Đinh Jrang chia sẻ: Trong làng có nhiều người già biết đánh chiêng. Nhưng rồi người già mất đi, thì dần dần cũng không còn ai đánh chiêng nữa. Vì vậy tôi phải vận động bọn trẻ rồi dạy cho chúng. Việc này cũng khó nhưng tập cho chúng nhiều lần thì sẽ đánh giỏi thôi.

Ban Chỉ đạo công tác Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Đốp đã trao bộ cồng chiêng tặng đồng bào dân tộc thiểu số Xtiêng tại thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng
Ban Chỉ đạo công tác Dân tộc - Tôn giáo huyện Bù Đốp đã trao bộ cồng chiêng tặng đồng bào dân tộc thiểu số Xtiêng tại thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng

Ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước), là điển hình trong bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng đặc sắc của người Xtiêng. Nổi bật trong phong trào đó là già làng Điểu Sết. 

Ông Sết tâm sự: Việc truyền dạy cồng chiêng chủ yếu được thực hiện bằng hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp. Không phải ai cũng dạy và học được cồng chiêng. Người già đang dần già đi. Người trẻ am hiểu cồng chiêng rất ít. Tìm người để duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa cồng chiêng không phải điều dễ dàng. Đây là những rào cản lớn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vận động bà con, những người am hiểu để duy trì hoạt động phong trào. Từ đó, tạo nên sức sống cho cồng chiêng Xtiêng.

Với người Xtiêng, cồng chiêng là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với đời sống
Với người Xtiêng, cồng chiêng là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với đời sống

Không thể để cồng chiêng xa rời cuộc sống hàng ngày, không thể để hồn cốt văn hóa này bị thất truyền, nhiều địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ, cũng đã có cách gìn giữ rất hay. Ngoài việc đưa nội dung bảo tồn gìn giữ cồng chiêng cụ thể hóa bằng Nghị quyết, thì việc đưa nội dung này vào thang tiêu chí để chấm điểm đánh giá làng bản văn hóa, câu lạc bộ dân ca dân vũ… đang rất được mọi người đồng tình, ủng hộ.

Trò chuyện cùng chúng tôi, lãnh đạo huyện Tương Dương (Nghệ An) “khoe” rằng, toàn huyện đang có hơn 40 bộ cồng chiêng ở các bản làng đang được các già làng, trưởng bản lưu giữ. Trưởng phòng Văn hóa thông tin (VHTT) huyện Tương Dương - Lô Thanh Long bấm ngón tay: Nhiều bản làng gìn giữ cồng chiêng rất tốt. Chúng tôi rất mừng vì hồn cốt của dân tộc vẫn đang được các thế hệ nâng niu, trân quý.

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đã đạt được những kết quả khích lệ. Tình trạng “chảy máu cồng chiêng” đã cơ bản được ngăn chặn, nhiều nghi thức, nghi lễ gắn với văn hóa cồng chiêng đã được phục dựng và có mặt ở nhiều gia đình đồng bào DTTS. Tiếng cồng chiêng cũng đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc... mang đậm văn hóa, hồn cốt, cốt cách người dân vùng miền…

Có thể nói, cồng chiêng không chỉ có giá trị rất lớn về vật chất, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần với đồng bào DTTS. Đến nay, dù có những thay đổi về đời sống, quan niệm, nhưng những giá trị về cồng chiêng vẫn được các gia đình, làng bản coi trọng và gìn giữ như một tài sản vô giá.