Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giáo dục bằng thơ của người Tày

Sông Lam - 09:56, 07/06/2018

Trong quá trình sinh sống, cộng đồng dân tộc Tày luôn nêu cao ý thức răn dạy con người sống sao cho phù hợp với đạo đức. Song hành cùng những câu chuyện cổ tích…, cha ông còn sáng tạo ra những lời dạy bằng thơ diễn đạt quan niệm truyền thống, giáo dục trong cuộc sống.

Ông dạy các cháu hát Then qua lời thơ mang ý nghĩa giáo dục. Ông dạy các cháu hát Then qua lời thơ mang ý nghĩa giáo dục.

 Nội dung của những lời dạy khá đa dạng. Cổ nhân dạy người đàn ông sống phải giữ lễ nghĩa: phải lịch sự, nghiêm trang, biết kính trên, nhường dưới, yêu kính cha mẹ, kính trọng họ hàng, làng xóm. Cách phân thứ bậc được nhấn mạnh: “Tuổi hơn là làm chị làm anh/Gọi bừa người cười chê khó tránh/Ta kính nhau cần theo ngôi thứ/Không được gọi xằng bậy mày tao”.

Cổ nhân cũng dạy làm người phải coi trọng người khác, gặp kẻ khốn khó không được cười chê, khinh bạc: “Đừng có chê kẻ nghèo khinh bạc/Giàu sang trời ban phát định rồi/Sinh ra ai đã là giàu có/Ai chẳng muốn làm lớn ngồi trên/Còn mong muốn có thêm vàng bạc/Số hay không cần ước cũng nên”.

Người đàn ông trong gia đình cần thông tỏ mọi điều, từ lo liệu việc trọng đại đến việc tu thân, tề gia, làm trụ cột trong nhà. Trong việc tu dưỡng của người đàn ông, người Tày đặc biệt đề phòng ba điều xấu xa tệ hại nhất. Đó là thói ăn trộm, nghiện hút, cờ bạc. Cổ nhân khuyên nhủ người đàn ông tránh xa thói ăn trộm. Đó là thói xấu dễ bị quen: “Trộm quen là không ngại run tay”.

Những lời khuyên răn, dạy bảo của người Tày nhằm giáo dục, rèn luyện con, cháu trở thành những người có phẩm chất đạo đức tốt, chăm chỉ, kiên cường, biết lo toan cho gia đình, làng xóm, biết giữ lễ nghĩa, sống có đức, có tâm. Việc giữ được mình trong sạch, tránh xa được cạm bẫy của cái xấu, sống có tâm có đức, lễ độ khiêm nhường làm gương cho cháu, con là những điều vô cùng thiết thực làm nên phẩm cách của người công dân trong xã hội.