Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gian nan hành trình xóa bỏ hủ tục, tà đạo ở miền cao nguyên đá xám: Kiệt quệ sau mỗi đám tang… (Bài 1)

Kim Thu - 20:40, 15/10/2024

Mèo Vạc là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Hà Giang, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Trong đời sống của đồng bào, bên cạnh nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy vẫn có không ít hủ tục vẫn ăn sâu, bám rễ. Cùng với đó là sự len lỏi của tà đạo từ những kẻ xấu lôi kéo bà con… khiến cho hành trình xóa bỏ hủ tục, vấn nạn này trong đồng bào thêm gian nan, vất vả. Tuy nhiên, những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị đã và đang từng ngày đem lại sự bình yên cho mỗi bản làng.

Từ xa xưa, theo phong tục của người Mông nơi cao nguyên đá, khi gia đình có người thân qua đời phải để trong nhà 7 ngày, 7 đêm; mổ trâu, mổ bò làm ma chay linh đình... Nếu gia đình có người mất không có trâu, bò, lợn để cúng tế, thì phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí đổi ruộng đất lấy gia súc để làm ma. Hệ lụy sau mỗi đám tang là những món nợ lớn về kinh tế khiến những hộ vốn đã nghèo càng thêm kiệt quệ…

Một đám tang của người dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang) mổ nhiều gia súc để cúng tế người chết gây lãng phí
Một đám tang của người dân tộc Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang) mổ nhiều gia súc để cúng tế người chết gây lãng phí

Đến tận bây giờ, những món nợ sau đám tang của bố vẫn hiện hữu, đeo bám gia đình anh Sùng Mí Dính, người dân tộc Mông thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngay cả trong từng bữa ăn giấc ngủ.

Anh Dính chia sẻ: Cách đây hơn 4 năm, bố mất, gia đình có con bò là tài sản duy nhất có giá trị nhưng không còn cách nào khác phải đem ra để làm ma. Nhưng như thế là chưa đủ, gia đình anh còn phải đi vay mượn của anh em, họ hàng về tổ chức đám tang. Bao nhiêu bò, lợn, dê mượn được cũng đều phải mổ hết...

Sau đám tang, tài sản gia đình chẳng còn lại gì. Riêng những món nợ (bò, lợn, dê) của họ hàng mang đến cúng tế trong đám tang của bố, anh nhẩm tính cũng lên tới hàng chục triệu đồng.

“Gia đình hiện nay còn mẹ già và 3 đứa con nheo nhóc, đứa lớn năm nay mới vào lớp 1. Để lo đủ cho 6 miệng ăn và có tiền trả nợ, mình cũng đi tận Bắc Ninh để kiếm việc làm, người ta thuê gì thì mình làm đó, nhưng do không có trình độ, công việc bấp bênh, nên cũng không kiếm được bao nhiêu. Con cái còn nhỏ lại ốm đau thường xuyên nên cũng chạy chữa nhiều. Đến giờ gia đình vẫn đang nợ nhiều lắm, đi làm xa nhà, mỗi lần nhận được điện thoại của vợ, chỉ sợ nghe tin họ hàng có người mất, mình phải lo tiền để mua bò đi trả, mà tiền đâu để đi mua bò?”, anh Dính buồn bã nói.

Việc để người đã mất tới 5 - 7 ngày mới đem chôn cất là nỗi ám ảnh với nhiều người, tiềm ẩn hệ lụy về dịch bệnh
Việc để người đã mất tới 5 - 7 ngày mới đem chôn cất là nỗi ám ảnh với nhiều người, tiềm ẩn hệ lụy về dịch bệnh

Cùng xã với anh Dính, gia đình ông Giàng Mí Ly vốn thuộc hộ nghèo, giờ lại càng nghèo, từ khi nhà có tang ma, 2 vợ chồng nghèo phải gánh thêm khoản nợ hơn chục triệu đồng do đi vay mượn tiền để mua bò về giết mổ, mua rượu.

Ông Ly chia sẻ: “Đến hạn trả tiền, 2 vợ chồng phải bán bớt mảnh vườn đi nhưng vẫn không đủ trả hết số nợ. 2 vợ chồng tôi cũng chỉ biết dựa vào mảnh nương trồng cây ngô, trồng cây rau để có thức ăn sống qua ngày, bán bớt mảnh vườn mà giờ vẫn còn nợ hơn chục triệu đồng, không biết đến bao giờ mới trả hết”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Mí Nô, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh cho biết, xã có 88% dân số là đồng bào Mông, từ xa xưa người Mông quan niệm, khi có người mất, làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều bò, lợn, dê, người chết sẽ có thêm nhiều của cải để khi về thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ hơn, không phải chịu cảnh nghèo đói cơ hàn như khi còn sống. 

Một buổi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mèo Vạc
Một buổi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mèo Vạc

Bởi thế, trong đám tang, toàn bộ số trâu, bò được dắt đến sẽ mang ra giết mổ cúng tế, thiết đãi họ hàng. Tính ra, chi phí cho một đám tang lên tới trên 100 triệu đồng đối với hộ giàu, hộ nghèo thì cũng tiêu tốn chừng 50 triệu đồng.

Không chỉ gây kiệt quệ về kinh tế, việc để người chết ở giữa nhà trong gần 1 tuần mới được đưa đi an táng, đến huyệt mới cho vào áo quan… cũng là nỗi ám ảnh với người còn sống. Cùng với đó, là nhiều hệ lụy về bệnh dịch, môi trường.... Từ xa xưa cho tới nay, hủ tục này vẫn luôn đeo bám, là một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo của đồng bào Mông nơi cao nguyên đá xám này… Không chỉ vậy, vùng đất này còn bị ám ảnh bóng ma tà đạo...

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.