Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giải pháp giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị

Thiên An – Mỹ Dung - 16:33, 04/04/2022

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh phía Bắc, trong đó có Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã đề xuất một số phương án ưu tiên hàng hóa xuất khẩu, nhằm góp phần giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa, giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp.

Phương tiện xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn
Phương tiện xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Cửa khẩu Hữu Nghị (khu vực xuất nhập khẩu chính ngạch giữa Việt Nam - Trung Quốc), với lưu lượng người và phương tiện tập trung tăng cao, đã dẫn đến tình trạng ùn ứ cục bộ. Từ tháng 11/2021, phía Trung Quốc đã thắt chặt yêu cầu phòng chống dịch như: lái xe Trung Quốc khi điều khiển phương tiện sang Việt Nam không được rời ca bin xe, mang mặc trang phục phòng chống dịch đầy đủ, xe đi và về trong ngày không được lưu lại ở Việt Nam.

Ngược lại, người Việt Nam lái xe sang Trung Quốc chỉ được phép lái qua đường biên giới giữa hai nước và xuống xe phía Trung Quốc, để người Trung Quốc lái xe Việt Nam vào khu vực kiểm tra, giao nhận hàng hóa. Trong khi đó, số lượng lái xe chuyên trách của Trung Quốc không nhiều nên không đáp ứng được yêu cầu giao nhận hàng hóa thực tế giữa hai nước.

Theo chia sẻ của nhiều lái xe, để vào đến được bãi xe, bãi chờ trước khi thông quan phải mất cả tuần, thậm chí mười mấy ngày. Đi liền với thời gian ròng rã ấy, là việc các dịch vụ ăn theo đội giá lên cao của các quán ăn, các bãi gửi xe…

Anh Nguyễn Văn Linh, một lái xe chở hàng nông sản, chia sẻ: “Ở đây chờ ì ạch mấy ngày rồi, chi phí thì cái gì cũng đắt đỏ, tốn kém. Hi vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm có giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp, chứ không cứ thế này thì khó khăn quá”.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị đã đề xuất một số phương án ưu tiên hàng hóa xuất khẩu
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị đã đề xuất một số phương án ưu tiên hàng hóa xuất khẩu

Mặt khác, phía Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra, kiểm dịch 100% hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam xuất khẩu, nên thủ tục khá lâu. 

Một thực tế là, mặc dù, trong tổng số lượng xe hàng xuất khẩu bị ùn tắc, chỉ có khoảng 13% là mặt hàng nông sản Việt Nam, còn lại chủ yếu là hàng xuất khẩu chuyển cửa khẩu, xuất quá cảnh. Tuy nhưng, việc tất cả các phương tiện chở hàng xuất khẩu lên cửa khẩu phải dừng đỗ tại các bãi ngoài, được điều tiết theo thứ tự vào trước, ra trước khiến cho các xe chở hàng có đối ứng xuất - nhập giữa 2 bên Việt Nam và Trung Quốc, do không được ưu tiên vượt tuyến nên bị đóng băng không làm thủ tục hải quan được ngay.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, thời gian qua đã phối hợp với các lực lượng chức năng, tuyên truyền tới các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình để điều tiết xe hàng đưa lên cửa khẩu phù hợp; chính quyền, cơ quan chức năng cũng tổ chức nhiều buổi hội đàm với phía Trung Quốc nhằm thống nhất các biện pháp giải quyết tình trạng tồn xe, ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu...

Đặc biệt, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã đề xuất một số phương án ưu tiên hàng hóa xuất khẩu như: đối tượng ưu tiên (xe linh kiện điện tử, máy móc, may mặc, da giày…), phân công trách nhiệm như Cơ quan Hải quan xác nhận doanh nghiệp - số tờ khai - mặt hàng ưu tiên; Lực lượng Biên phòng, Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương kiểm soát phương tiện Việt Nam và Trung Quốc; Cảnh sát Giao thông phối hợp cho xe chở hàng ưu tiên vào cửa khẩu có giấy xác nhận.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Về phía tỉnh Lạng Sơn đã đàm phán cấp tỉnh - khu với nước bạn, thống nhất một số biện pháp thông quan. Chúng tôi cũng sẽ thông tin cho các tỉnh, yêu cầu giảm lượng xe đưa lên cửa khẩu. Ngoài ra, để giải quyết thêm được số lượng hàng hóa lớn tránh ùn tắc ở cửa khẩu, thì vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước...