Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi mới cơ chế, chính sách xuất khẩu nông sản để hạn chế ùn tắc tại cửa khẩu

PV - 07:05, 26/02/2022

Chiều 25/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng.

"Đến cận Tết, lượng xe chờ xuất khẩu đã trở lại con số bình thường như trước khi xảy ra ùn tắc", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tại cuộc họp. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc có xu hướng xuất hiện trở lại sau Tết.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8h ngày 24/2/2022, tổng số xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới là 3.728 xe, trong đó, tại Lạng Sơn là 1.764 xe, tại Quảng Ninh là 1.584 xe, tại Lào Cai là 300 xe, tại Cao Bằng là 80 xe.

Thiết lập ngay vùng xanh chung để giảm ùn tắc

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tình trạng ùn tắc như hiện nay chủ yếu là do Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero COVID", từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tại thời điểm ngay trước và sau Tết Nguyên đán, năng lực bốc dỡ phía Trung Quốc cũng có phần hạn chế, do công nhân bốc vác về quê ăn Tết, số lao động đã trở lại thì vẫn trong thời gian cách ly. Trong khi đó, mặc dù các bộ, ngành và các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo, lượng xe chở hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới vẫn liên tục tăng nhanh những ngày gần đây.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, lượng xe chở hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới vẫn liên tục tăng nhanh những ngày gần đây. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, lượng xe chở hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới vẫn liên tục tăng nhanh những ngày gần đây. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, lượng xe chở hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới vẫn liên tục tăng nhanh những ngày gần đây. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Về giải pháp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất, UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này. "Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Quy trình hợp tác giao nhận này có thể cải thiện đáng kể hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới, hạn chế được tối đa nguy cơ ùn tắc. Bởi, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc thì theo quy định, Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1 - 2 ngày. Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.

"Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng, trước mắt, cần có quy trình hợp tác giao nhận mà hai bên cùng thống nhất, trên cơ sở tăng cường kiểm soát dịch bệnh bởi chỉ cần có ca dương tính COVID-19 là sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động thông quan để tiến hành khử trùng cũng như các biện pháp phòng dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thời gian thông quan.

Xe vẫn dồn về cửa khẩu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết, hiện vẫn ùn khoảng 1.700 xe, trong đó 70% là xe chở nông sản. Giải tỏa lượng xe ùn tắc này phải mất 15 ngày.

Tỉnh đã thông báo người dân, doanh nghiệp không tiếp tục đưa xe lên cửa khẩu nhưng hàng ngày vẫn có khoảng 50 - 70 xe đi lên Lạng Sơn. Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn cho rằng, hiện Trung Quốc đang mùa Đông nên nhu cầu hoa quả, nông sản rất lớn, do đó, thương nhân vẫn đổ hàng lên cửa khẩu.

Bà Đoàn Thu Hà cho biết, việc triển khai "vùng xanh", "vùng đệm" ở cửa khẩu vẫn chưa có quy định cụ thể để phù hợp với quy định của phía Trung Quốc, nhiều trường hợp "âm tính tại Việt Nam, nhưng lại dương tính theo chỉ số của Trung Quốc". Do đó cần nghiên cứu, trao đổi, thống nhất với phía bạn về thực hiện công nhận 1 lần đối với kết quả xét nghiệm COVID-19 và khử khuẩn hàng hóa.

Về giải pháp trước mắt, bà Đoàn Thu Hà cho biết, Lạng Sơn đã thống nhất với phía bạn về thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa hạn chế tiếp xúc, từ đó cửa khẩu Tân Thanh có thể nâng lên 150 - 200 xe thông quan/ngày và có thể cao hơn nữa (hiện khoảng 30 - 40 xe/ngày). Phương thức giao nhận mới sẽ áp dụng chính thức từ 26/2 tại cửa khẩu Tân Thanh. Với cửa khẩu Hữu Nghị sẽ áp dụng phương thức giao nhận mới từ 1/3.

Đối với xuất khẩu nông sản, hàng hóa đã có những bước tích cực, nhưng giao thương tiểu ngạch, không có hợp đồng chiếm tỷ lệ lớn, đây là những rủi ro, hạn chế đối với công tác quản lý cũng như với thương mại song phương. "Đề nghị cần thể chế bằng văn bản. Với hàng chính ngạch, đã có quy định rõ. Nhưng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch thì không thể thực hiện ngay được, phải có lộ trình, giải pháp căn cơ", bà Đoàn Thu Hà kiến nghị. Các quy định liên quan đến các cá nhân, tổ chức làm thương mại nông sản, kinh doanh xuất nhập khẩu thì cũng phải chặt chẽ hơn, từ đó, mới có thể dần thay đổi tập quán giao thương qua đường tiểu ngạch, để chuyển sang chính ngạch.

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh tiếp tục trao đổi, đàm phán, thống nhất phía bạn về nơi quản lý và ăn ở tập trung của lái xe chở hàng. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tỉnh tiếp tục trao đổi, đàm phán, thống nhất phía bạn về nơi quản lý và ăn ở tập trung của lái xe chở hàng. (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Theo ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trước và sau Tết Nguyên đán, phía Trung Quốc nhiều lần dừng thông quan tại cửa khẩu do phát sinh ca COVID-19 nên tình trạng ùn ứ xe nông sản, hàng hóa vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, vướng mắc lớn vẫn là việc chưa thống nhất quy định giữa 2 nước về công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 và khử khuẩn hàng hóa.

Ông Cao Tường Huy cho biết, Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban. Hiện tỉnh tiếp tục trao đổi, đàm phán, thống nhất phía bạn về nơi quản lý và ăn ở tập trung của lái xe chở hàng.

Kiên quyết chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để giải phóng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu, không để tồn đọng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những chính sách đã triển khai thời gian qua là kịp thời, nhưng chưa thực sự căn cơ, chưa giải quyết tận gốc của vấn đề, chưa khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa, trong đó đa số là nông sản, tại các khu vực cửa khẩu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu "khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước". (Ảnh: VGP/Đức Tuân)
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu "khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước". (Ảnh: VGP/Đức Tuân)

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tích cực triển khai các giải pháp đã có như đẩy mạnh thông tin về tình trạng ùn tắc, chủ động hạn chế phương tiện dồn về cửa khẩu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phía bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan, Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp; yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai "khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước".

"Bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe", Phó Thủ tướng nói rõ thêm. Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2. Đây là giải pháp được đánh giá phù hợp, có thể rút ngắn đáng kể thời gian thông quan so với hiện nay.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư Pháp, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trong vòng 15 ngày trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hoá đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch để thống nhất thực hiện; đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc./.