Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giá xăng dầu cao: Người dân chật vật, doanh nghiệp đau đầu

Thuý Hồng - 15:35, 21/03/2022

Sau nhiều lần giá xăng dầu trên thế giới và trong nước tăng liên tiếp và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay, thì những ngày qua giá xăng dầu trên thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự kiến trong kì điều chỉnh tới, giá xăng dầu trong nước có thể giảm 1.500-2.000 đồng. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức giá cao. Giá xăng cao sẽ làm chi phí đầu vào tăng cao khiến các dịch vụ, phí, cước vận tải cũng như giá cả thực phẩm tăng theo gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống người dân.

Giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng hoá thiết yếu đều tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp
Giá xăng tăng kéo theo các mặt hàng hoá thiết yếu đều tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp

Người dân “thắt ví”

Ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới, bởi giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp nhiều tháng trước đó. Tới tháng 3, khi giá xăng dầu lập đỉnh mới, là cú "đánh bồi" khiến nhiều mặt hàng đang cố giữ giá cũng buộc phải tăng giá.

Thực tế, việc giá xăng tăng cao đã vô tình tác động lớn đến tâm lý chung của người dân. Trong những ngày qua, có không ít người đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày vì giá hàng hóa thiết yếu cũng đang "tát nước theo mưa".

Mỗi khi cầm tiền đi mua sắm, chị Đinh Thu Hiền (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã rất "chóng mặt" khi thấy giá thực phẩm, rau củ quả liên tục tăng cao. Nhiều mặt hàng đều đồng loạt tăng. Có hôm cầm theo 300.000 đồng đi mua sắm, chị Hiền đều phải tính toán, cân nhắc xem hôm nay nên mua gì, không mua gì để tránh lạm chi.

Cùng chung nỗi lo, anh Hoàng Văn Sơn, quê ở Cao Bằng, xuống Hà Nội chạy xe ôm để mưu sinh trong mùa dịch, đã phải vất vả làm thêm để bù vào chi phí xăng dầu tiêu hao.

"Giá xăng tăng cao nên hầu hết những tài xế như chúng tôi, đều phải chạy xe cật lực cả ngày trên đường, nhưng cuối ngày tính toán lại cũng không ăn thua khi đã bù vào phí xăng dầu. Việc chi tiêu, các khoản sinh hoạt phí ở Thủ đô của tôi chắc chắn sẽ phải co hẹp lại nhiều", anh Sơn tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Lê, tiểu thương bán rau quả tại chợ đầu mối Hải Bối (Đông Anh) cho biết: Nếu trước đây, hai ngày đi nhập rau tốn 50.000 đồng tiền xăng, nay phải mất thêm 30.000 đồng. Một tháng chi phí xăng xe nhập hàng của sạp chị thêm gần nửa triệu đồng. Cùng với giá xăng, giá hàng hoá nhập cũng tăng thêm 15% nên chị cũng phải tăng giá bán thêm từ 5% đến 10%. Tuy nhiên sức mua kém nên lợi nhuận không đáng là bao nhiêu.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái tăng, CPI tháng 2 tăng 1,42%. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng.

Các doanh nghiệp vận tải đang phải đau đầu vì số lượng hành khách giảm vì dịch bệnh Covid-19 và giá xăng tăng cao
Các doanh nghiệp vận tải đang phải đau đầu vì số lượng hành khách giảm vì dịch bệnh Covid-19 và giá xăng tăng cao

Doanh nghiệp “gồng gánh”

Theo tìm hiểu, sau khi giá xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đang bị "rút ruột", nhiều doanh nghiệp thông tin, họ không những hòa vốn mà còn bị lỗ khi xăng dầu liên tục biến động.

Anh Nông Hồng Biên, chủ nhà xe tuyến Lạng Sơn - Bắc Ninh - Hà Nội cho biết: Giá xăng dầu liên tục tăng, nhu cầu di chuyển giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên chúng tôi rất lo sợ, nếu tăng giá cước thì các chuyến xe sẽ trống ghế, mất khách hàng.

Không riêng gì các doanh nghiệp vận tải, mà các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang phải đối diện với việc xăng dầu tăng giá, kéo theo giá nguyên vật liệu, vận tải tăng phi mã trong nhiều tháng qua khiến lợi nhuận bị ăn mòn.

Ông Nguyễn Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), bày tỏ: Chúng tôi nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt, biên độ tăng không quá lớn. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cắt giảm nhiều chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận.

Trước những khó khăn của người dân, doanh nghiệp Bộ Tài chính đã kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng. Đề xuất đã được Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Ở tầm vĩ mô, giảm thuế xăng, dầu được cho là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu, cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên, mức giảm này, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp là "ít ỏi và không nhiều ý nghĩa".

Tại phiên họp thứ 9, ngày 14/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.

"Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi; Quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp", ông Dương Thanh Bình kiến nghị.

Hiện nay mặt hàng xăng dầu của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ thị trường thế giới, do vậy vẫn phải phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới khi xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn đang giao tranh. Trên thế giới, giá xăng dầu tại nhiều quốc gia cũng không đứng ngoài vòng xoáy tăng giá. Để giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, một số nước đã giảm thuế xăng dầu. Vì vậy theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới với các giải pháp kìm giá xăng dầu ra sao để điều tiết thị trường khi giá dầu cao nhằm góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.