Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phong trào khởi nghiệp và đội ngũ doanh nhân người DTTS

Văn Hoa - 20:50, 09/11/2023

Những năm qua, ở vùng DTTS, phong trào phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, phong trào khởi nghiệp của thanh niên DTTS trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Thanh niên DTTS đã vượt qua những khó khăn, bằng ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm làm giàu, tận dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, đã mạnh dạn khởi nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho CLB Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho CLB Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi

Những tấm gương tiêu biểu

Anh A Ngưi, dân tộc Ba Na (39 tuổi, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai), là một trong những điển hình với hành trình khởi nghiệp gian nan, vất vả nhưng cũng đầy tự hào. A Ngưi sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, rồi về làm ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. 

Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp từ du lịch, A Ngưi kể, trong một lần được giao nhiệm vụ đón đoàn khách Hải Phòng vào thăm, A Ngưi đã tham mưu với lãnh đạo thiết kế nhanh một tour “hoang dã” bao gồm, đi rừng, thăm thác, tổ chức biểu diễn cồng chiêng và thưởng thức cơm lam, gà nướng bản địa. Tất cả các hoạt động đều do người địa phương trực tiếp thực hiện khiến du khách rất tâm đắc, say sưa. Khi ra về, khách còn khen và thưởng cao cho nghệ nhân cùng các thành viên tham gia phục vụ. Sau lần đó, A Ngưi đã quyết định làm du lịch.

Để có thêm kinh nghiệm thực tế, A Ngưi đi thăm qua, học tập tại nhiều nơi như Đà Lạt (Lâm Đồng), Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), ra tận Mộc Châu (Sơn La), Bản Lác (Hòa Bình), cao nguyên đá Hà Giang, các khu du lịch cộng đồng ở Lai Châu, vào cả trong miền Đông, miền Tây Nam Bộ…

A Ngưi chia sẻ, khi khởi nghiệp cần sự “quyết đoán”, bởi, khởi nghiệp cô đơn, áp lực và gian nan lắm, không chịu được những thứ này là thua. A Ngưi bày tỏ, người ta nói cá ngược dòng là cá đi tìm sự sống, nên khi quyết tâm rồi thì không nên nghe quá nhiều người.

Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình MTQG 1719
Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

A Ngưi kể, hồi trước anh khởi nghiệp làm du lịch, nhiều người, trong đó có lãnh đạo địa phương còn không biết Trekking, Homsestay là gì, nên họ nói anh bị điên. Anh đã không không than, không buồn phiền, thay vào đó anh đã nỗ lực hoàn thiện mình.

Hiện nay, cơ ngơi của A Ngưi gồm hai khu nhà sàn lớn, nhà sàn thưởng thức ẩm thực, các chòi ngủ trải nghiệm thiên nhiên, khu lửa trại, nhà vườn…Chỉ trong năm 2022, homestay đã đón khoảng 6.000 lượt khách. Năm 2023, mỗi tháng anh đón trên 400 lượt khách. Mới đây, anh đã mạnh dạn thành lập Công ty du lịch cộng đồng mang tên mình, tên quốc tế là “A Ngui Travel Services Company Limited”.

Theo anh Ngưi, để giải quyết vấn đề việc làm tại địa phương thì cần lựa chọn những thanh niên tiêu biểu ở địa phương đi tham quan các mô hình kinh tế, khởi nghiệp tiêu biểu, từ đó họ sẽ chủ động trong vấn đề khởi nghiệp; hỗ trợ vốn và hướng dẫn người dân cách làm.
Theo anh Ngưi, để giải quyết vấn đề việc làm tại địa phương thì cần lựa chọn những thanh niên tiêu biểu ở địa phương đi tham quan các mô hình kinh tế, khởi nghiệp tiêu biểu, từ đó họ sẽ chủ động trong vấn đề khởi nghiệp; hỗ trợ vốn và hướng dẫn người dân cách làm.

Với sự nỗ lực, cố gắng và mô hình homestay phát huy hiệu quả đáng kinh ngạc, câu chuyện của A Ngưi làm du lịch, đã truyền được cảm hứng cho người làng Kgiang và các địa phương lân cận. Từ đó, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết trân trọng cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa của dân tộc và bắt đầu học A Ngưi làm du lịch. A Ngưi chia sẻ, nhiều năm nay mình đã đào tạo, hướng dẫn làm du lịch cho hàng chục hộ dân trong làng, giờ bà con đã biết làm du lịch rồi.

Ông Y Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, anh Ngưi rất năng nổ, có những ý tưởng kinh doanh phù hợp với quan điểm phát triển du lịch địa phương. Huyện rất hoan nghênh và hỗ trợ anh một số hoạt động vì cách làm du lịch của anh Ngưi vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa giữ gìn văn hóa dân tộc.

Tương tự, tại tỉnh Hòa Bình, chị Trịnh Thị Thanh Hòa, dân tộc Tày, viên chức Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đà Bắc được biết đến là người khởi nghiệp khá thành công, đã lan tỏa về tinh thần và nghị lực khởi nghiệp cho thanh niên DTTS.

 Thanh Hòa đã xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp cho bản thân và thanh niên nông thôn tại địa phương như mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu, mô hình trồng ngô ngọt cắt khúc đóng lon, mô hình trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây Sachi… 

Với những cố gắng nỗ lực của bản thân, Thanh Hòa đã đạt giải Nhì Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; giải Khuyến khích cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức; giải Vàng cuộc thi Thách thức sáng kiến kinh doanh do Tỉnh đoàn tổ chức; chị đã được UBND tỉnh biểu dương tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình lần thứ Nhất năm 2022...

Với ý chí tự lưc, tự cường, nhiều thanh niên DTTS đã nỗ lực khởi nghiệp, mang lại thu nhập, cuộc sống ấm no cho bản thân và cộng đồng (Ảnh A Ngưi)
Với ý chí tự lưc, tự cường, nhiều thanh niên DTTS đã nỗ lực khởi nghiệp, mang lại thu nhập, cuộc sống ấm no cho bản thân và cộng đồng (Ảnh A Ngưi)

Có thể thấy, với quyết tâm vươn lên làm giàu, anh A Ngưi, chị Trịnh Thị Thanh Hòa, là những tấm gương, đại diện cho hàng ngàn tấm gương thanh niên DTTS có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cho thu nhập cao, làm giàu cho chính mảnh đất quê hương.

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng DTTS

Hiện nay, khi lướt trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… sôi động các bài quảng cáo về các sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, trong đó có nhiều sản vật địa phương của đồng bào DTTS. Điều đó cho thấy, phong trào khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) vùng DTTS phát triển sôi động, trong đó có rất nhiều các nữ doanh nhân DTTS.

Một buổi Livestream bán các sản phẩm địa phương của phụ nữ dân tộc Nùng, huyện Chi Lăng
Một buổi Livestream bán các sản phẩm địa phương của phụ nữ dân tộc Nùng, huyện Chi Lăng

Đơn cử như cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, có 14 thí sinh (chiếm 43,8%) là người DTTS với 14/32 Dự án khởi nghiệp của 18/25 tỉnh thành khu vực miền Bắc. Sau vòng thi thuyết trình, nhiều dự án có chất lượng của phụ nữ dân tộc đã được Ban tổ chức lựa chọn và trao giải. Như, Dự án Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng, tác giả Vương Thị Thương (tỉnh Lạng Sơn) đạt giải Nhất; Dự án Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp, tác giả Lò Chúc Chi (tỉnh Điện Biên) đạt giải Ba…

Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 30/9 đã ghi nhận, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong hơn thập kỷ qua, về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Việt Nam đã tăng hơn 20 bậc, lên vị trí 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44), đứng thứ 3 Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá khá tốt ở thể chế, mức độ phát triển của thị trường, mức độ hoàn thiện kinh doanh và kết quả sáng tạo.

Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên DTTS đã góp phần phát triển kinh tế tại địa phương
Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên DTTS đã góp phần phát triển kinh tế tại địa phương

Xét trong khu vực, Báo cáo cho thấy, Việt Nam đứng thứ ba về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Vốn rót vào start-up Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020.

Kết quả trên cho thấy, những chủ trương, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS, Ủy ban Dân tộc đã xúc tiến thành lập “Mạng lưới các nhà cố vấn, đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS” do đích thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Chủ tịch danh dự và chịu trách nhiệm kết nối với các đối tác, cùng xây dựng chính sách có ý nghĩa và quan trọng này.

Năm 2019, được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế, Ủy ban Dân tộc đã phát động Cuộc thi “Ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng DTTS Việt Nam”. Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017, sau 5 năm triển khai cũng đã góp phần thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST ở vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Đặc biệt, hiện nay, Ủy ban Dân tộc và nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã và đang nỗ lực thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thu hút đầu tư theo nội dung số 03, Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Hợp tác xã Quế Trà My Minh Phúc tham gia Hội chợ OCOP Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023 và đạt giải Nhì Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023
Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Hợp tác xã Quế Trà My Minh Phúc tham gia Hội chợ OCOP Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023 và đạt giải Nhì Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023

Tháng 11/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Phiên làm việc kỹ thuật trong khuôn khổ Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó, Phiên làm việc kỹ thuật với nội dung chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tổ chức nhiều hoạt động, ban hành nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp như: tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi”; Kon Tum tổ chức tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào DTTS năm 2023; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch 202/KH-UBND nhằm triển khai nội dung về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Chương trình MTQG 1719…

Có thể thấy, bằng sự cần cù vượt khó vươn lên, bằng sự trợ lực với các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đã thúc đẩy phong trào khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong thanh niên vùng đồng bào DTTS. Đây cũng chính là nền tảng, động lực để hình thành một đội ngũ doanh nhân người DTTS ngày càng lớn mạnh, cùng với lực lượng doanh nhân cả nước, chung tay, góp sức xây dựng đất nước hùng cường.