Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Gặp những phụ nữ căng tai ở Tây Nguyên

Lê Hường - 10:30, 02/03/2020

Cà răng, căng tai là tục lệ lâu đời của một số dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên, vừa thể hiện chuẩn mực về cái đẹp, chứng minh sự giàu có của gia đình. Lỗ tai càng rộng thì càng đẹp và được nhiều đàn ông ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tập quán này không còn phù hợp với chuẩn mực cái đẹp của xã hội hiện đại nên đã mờ nhạt dần theo thời gian, hiện trên địa bàn Tây Nguyên chỉ còn vài cụ già căng tai.

Đồng bào Mạ diễn cồng chiêng, múa xoang quanh cây nêu
Đồng bào Mạ diễn cồng chiêng, múa xoang quanh cây nêu

Trước ngôi nhà dài truyền thống của người Châu Mạ (dân tộc Mạ) được dựng bên Hồ Xuân Hương trong những ngày Festival hoa Đà Lạt năm 2019, bà Điểu Thị Lang ở xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đang cần mẫn luồn sợi dệt vải; đôi bông tai bằng ngà voi trắng muốt kéo dái tai của bà xuống ngang tầm cằm. 

Bà Lang kể, phong tục cà răng, căng tai của người M’nông đã có từ rất lâu đời. Từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được xâu lỗ tai. Hơn mười tuổi thì dù trai hay gái đều được làm các nghi thức cà răng. Căng tai phải mất thời gian rất dài, ban đầu dùng gai cây chanh xỏ lỗ và tăng dần kích thước cây xâu lỗ tai lên cho đến khi dái tai ngày càng căng rộng. Nhà giàu đeo tai bằng ngà voi, nhà bình thương đeo bằng tre nứa, gỗ... “Đối với người M’nông, bông tai bằng ngà voi là đẹp nhất và có giá trị nhất, một đôi bông tai ngà voi đổi được con trâu có sừng dài hoặc chiếc ché cổ. Bây giờ bọn trẻ tân tiến rồi, chỉ xâu lỗ tai nhỏ để đeo trang sức hiện đại, cả xã chỉ còn lại bà căng tai thôi”, bà Điểu Thị Lang nói.

Bà Điểu Thị Lang, dân tộc Mạ đeo đôi bông tai bằng ngà voi từ mấy chục năm nay
Bà Điểu Thị Lang, dân tộc Mạ đeo đôi bông tai bằng ngà voi từ mấy chục năm nay

Già Y Pế ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng là người cuối cùng của dân tộc Brâu căng tai. Đeo cặp bông tai ngà voi to bằng cổ tay em bé, đôi dái tai của bà Y Pế căng rộng chảy xuống sát bờ vai. Bà tâm sự: Ngày xưa, căng tai vừa là cách làm đẹp, vừa thể hiện sự giàu có của gia đình. Khi mới xâu tai, đứa trẻ chỉ đeo một mẩu tre nhỏ. Mẩu tre này sẽ được thay bằng những đôi khuyên tai chất liệu khác và kích thước to dần lên. 

Người Brâu quan niệm, lỗ xâu tai càng rộng càng đẹp, càng được đàn ông ngưỡng mộ và càng chứng tỏ trong nhà có nhiều chiêng cổ, ché quý, nhiều trâu, bò… Gia đình giàu có thì cho con đeo tai bằng ngà voi, khá giả thì đeo vòng bạc, còn bình thường đeo tre nứa, lồ ô.... Nếu lỗ xâu tai căng to đến mức làm cho dái tai bị rách hẳn thì người phụ nữ đó và cả làng của họ sẽ gặp may mắn. 

“Cặp bông tai ngà voi này của bà ngoại truyền lại cho mình. Ngày ấy một cặp bông tai ngà voi này đổi được mấy cặp chiêng đồng, cả đàn trâu đấy. Nhưng căng tai đau lắm nên bây giờ con cháu không ai đeo cặp bông này nữa”, già Y Pế chia sẻ.

Già Y An, thôn Đăk Mế từng cà răng chia sẻ: Nếu như căng tai mất quá trình lâu dài làm lỗ xâu tai rộng ra thì cà răng chỉ mất vài tiếng đồng hồ là có hàm răng “đẹp”. Nhưng cà răng đau lắm. Mỗi lần thực hiện, tất cả trai gái cùng tuổi 13 tập trung tại nhà rông để làm lễ. Già làng làm nghi thức cúng Yàng (thần linh), đội chiêng diễn tấu xong, thì người đàn ông trưởng thành cầm hòn đá mài từ đầu răng của cái răng. Cứ như vậy liên tục trong 2 tiếng cho đến khi bốn chiếc răng cửa hàm trên của các thiếu niên sát đến tận lợi. Cà răng xong, già làng đắp lá thuốc cây rừng cho vết thương mau lành. 

Đôi bông tai bằng ngà voi
Đôi bông tai bằng ngà voi

“Người Brâu quan niệm rằng, cà sát đến lợi mới là chuẩn mực, khuôn mẫu về cái đẹp, thể hiện sự can đảm của mỗi người và phải cà răng mới được xem là người trưởng thành, tự do yêu đương, tìm hiểu. Nếu không cà răng, khi chết đi linh hồn sẽ lưu lạc nơi khác không về được thế giới của ông mà tổ tiên. Chính vì thế mà không ai bỏ cuộc, ai cũng chịu đau để thực hiện”, già Y An chia sẻ.

Nhiều năm trước, hầu hết các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đều có tập tục cà răng, căng tai, nhưng nay chỉ còn lại một vài người còn căng tai đeo ngà voi lưu lại dấu vết trang sức cổ xưa của con người.