Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đưa tiếng Anh đến với học sinh vùng cao Mèo Vạc

Văn Hoa- Minh Đức - 02:54, 30/03/2023

Để hỗ trợ học sinh DTTS tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tiếp cận và nâng cao năng lực tiếng Anh, Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội đã khởi xướng thực hiện chương trình dạy tiếng Anh Online cho các em học sinh, giúp huyện biên giới vùng cao này giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên, nâng cao khả năng tiếng Anh cho học sinh.

Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3 nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học
Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3, nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học

Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên học sinh lớp 3 học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ học tiếng Anh bắt buộc (trước đây là môn học tự chọn). Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3, nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Mặc dù huyện Mèo Vạc đã có chủ trương tăng mức lương hợp đồng với giáo viên tiếng Anh, nhưng vẫn không tuyển được.

Trước tình hình đó, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội đã khởi xướng, và cử giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho toàn bộ học sinh lớp 3 ở huyện Mèo Vạc. Khởi động bước đầu dự án, với tổng kinh phí trên 1,7 tỉ đồng. Tham gia dự án là 22 giáo viên trẻ, người đã đi làm, là sinh viên năm cuối ngành ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm tiếng Anh.

 Giáo viên của Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội tới tận nơi để thực hiện Dự án hỗ trợ dạy môn Tiếng anh cho học sinh ở Mèo Vạc
Giáo viên của Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội thực hiện Dự án hỗ trợ dạy môn tiếng Anh cho các em học sinh tại lớp học ở Mèo Vạc

 Cô Ngô Thị Thùy Trang vừa tốt nghiệp đại học, một trong những giáo viên được nhận tham gia Chương trình hỗ trợ dạy môn tiếng Anh trực tuyến cho các bạn nhỏ ở Mèo Vạc. Sau 4 tháng dạy Online, cô Thu Trang cùng đồng nghiệp đã trực tiếp lên Mèo Vạc, gặp trực tiếp các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Thượng Phùng. Lớp học mà cô trò chỉ nhìn thấy thông qua màn hình máy tính và tivi.

Cô giáo Ngô Thị Thu Trang chia sẻ: đây là lần đầu tiên Trang xa nhà đến một vùng đất khắc nghiệt mà bản thân chỉ nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trang rất vui và xúc động khi được gặp các em học sinh nơi đây. Mặc dù còn vô vàn khó khăn song các em luôn chăm chỉ học tập, điều này thôi thúc Trang sẽ tiếp tục truyền đạt những kiến thức tốt nhất đến học sinh.

Dự án dạy tiếng Anh góp phần nâng cao khả năng cho học sinh vùng biên giới Mèo Vạc
Dự án dạy tiếng Anh góp phần nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh vùng biên giới Mèo Vạc

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: Sau một thời gian ngắn, triển khai dự án hỗ trợ dạy tiếng Anh, bằng hình thức trực tuyến từ Hà Nội đến Mèo Vạc. Đây không chỉ là cơ hội để học sinh DTTS nâng cao tiếng Anh giao tiếp mà còn được tham gia hoạt động trải nghiệm, phương pháp học tập hấp dẫn ở miền xuôi.

Sau khi tham gia học tập các em học sinh đã không còn tự ti, e dè, thậm chí mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh với thầy cô và các bạn trong lớp. Sự tích cực ấy, góp phần tạo thành động lực, cảm hứng cho những giáo viên trẻ nỗ lực hết sức, mang tới phương pháp giảng dạy thú vị, phù hợp. Đặc biệt, tạo ra môi trường trải nghiệm thú vị qua nhiều trò chơi, hoạt động tiếng Anh bổ ích, vui vẻ… giúp học sinh vùng sâu, vùng xa thêm yêu thích môn Tiếng Anh.

Có thể nói, chương trình hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho các đơn vị trường học ở Mèo Vạc, đã giúp huyện biên giới vùng cao này giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên, nâng cao khả năng tiếng Anh cho học sinh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là một việc làm ý nghĩa, nhân văn, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện Mèo Vạc nói riêng, vùng DTTS, miền núi nói chung.