Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng Tháp: Hiện thực hóa mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp”

Trần Thắng - 19:55, 25/09/2023

Mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” phù hợp với đặc điểm, tính chất của người nông dân đất Sen hồng (Đồng Tháp), nên bà con đồng thuận hưởng ứng. Bước đầu, mô hình đạt những kết quả rất khả quan trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Các Hội quán tham gia mô hình "Người Nông dân chuyên nghiệp"
Các Hội quán tham gia mô hình "Người Nông dân chuyên nghiệp"

Mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp” xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, triển khai từ năm 2020, với mục đích góp phần nâng cao năng lực nông dân trong sản xuất và tham gia quản trị xã hội. Đồng thời, xây dựng cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các mô hình kinh tế tập thể, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Khởi đầu thực hiện thí điểm tại 5 huyện trong tỉnh, mỗi địa phương chọn thí điểm tại một xã. Theo đó, huyện Châu Thành thí điểm trên lĩnh vực cây nhãn; huyện Lấp Vò thí điểm trên lĩnh vực cây hoa màu; huyện Lai Vung thí điểm trên lĩnh vực cây có múi; huyện Cao Lãnh thí điểm trên lĩnh vực cây xoài và cây mít; huyện Tháp Mười thí điểm trên lĩnh vực cây lúa, cây ăn quả. Mặc dù không là đơn vị được chọn thí điểm, nhưng để hưởng ứng việc phát động thi đua phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp của tỉnh, TP. Cao Lãnh (chọn xã Tân Thuận Tây) và huyện Tân Hồng (chọn xã An Phước) triển khai thực hiện theo kế hoạch của tỉnh.

Qua 3 năm triển khai thực hiện mô hình, đã đạt được những kết quả rất khả quan: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về ý nghĩa, mục tiêu của mô hình; từng bước thay đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Bà con nông dân sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm sản xuất
Bà con nông dân sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm sản xuất

Nhận thức được thị trường đã chuyển từ nhu cầu “ăn no” sang “ăn ngon”, “ăn sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng”, từ đó, sản xuất cũng phải phân ra nhiều luồng đáp ứng nhu cầu của xã hội theo xu hướng sản xuất sạch, tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có trách nhiệm, có đạo đức với bản thân và cộng đồng.

Điển hình như mô hình trồng nhãn ở huyện Châu Thành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tổng diện tích nhãn của Hợp tác xã (HTX) được chứng nhận VietGAP là 113,39ha; 19,5ha GlobalGAP và 122,95ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, HTX được Viện Thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng thực thẩm định “Thực phẩm sạch - An toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”. Hay như mô hình Minh Tâm Hội quán ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh có 100% thành viên tham gia sản xuất xoài tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện “Sổ nhật ký canh tác”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, để tiêu thụ xoài dễ dàng và hiệu quả. Hiện tại, Minh Tâm Hội quán đang thực hiện mô hình “Sản xuất xoài theo hướng công nghệ cao” với diện tích 10ha...

Nông sản sạch của Hội quán trưng bày sản phẩm
Nông sản sạch của Hội quán trưng bày sản phẩm

Hiện có 58 Hội quán tại các địa phương tham gia thực hiện thí điểm mô hình; thông qua sinh hoạt Hội quán đã từng bước làm cho người dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, thu hút nhiều hộ gia đình tự nguyện tham gia vào các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất do địa phương phát động.

Bên cạnh tham gia mô hình, người nông dân tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, được các ngành chuyên môn tập huấn trang bị kiến thức về thực phẩm không an toàn do nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổn hại sức khoẻ của chính người sản xuất, sức khoẻ người tiêu dùng.

Như ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười đã thực hiện mô hình xây hố thu gom bao, vỏ, chai, lọ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thu gom rác thải độc hại trên đồng ruộng về khu tập kết chung. Đã vận động thu gom được 4.874kg rác thải nhựa, độc hại trên đồng ruộng, giá bán 5.000/kg, thu lợi từ việc bán rác thải độc hại trên 24 triệu đồng. Tại huyện Lấp Vò, mô hình thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm thu gom 2 lần, mỗi ấp được huyện cấp 30 bể chứa, 30 hũ; huyện Châu Thành với mô hình thùng chứa bao bì, chai, lọ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, với 547 thùng chứa, đã hạn chế sử dụng túi nilon, có 11 Tổ Phụ nữ tham gia,… góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm xây dựng nông thôn mới...

Hiệu ứng mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp” xuất phát từ sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, xem đây là động lực và cơ hội thúc đẩy nhanh phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đủ điều kiện tham gia trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình đã tác động nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn việc phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tự nguyện, tự giác tham gia; từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tham gia vào chuỗi sản xuất ứng dụng kỹ thuật mới, các chương trình liên kết trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định: Mô hình “Người Nông dân chuyên nghiệp” đã cho thấy rất phù hợp với đặc điểm, tính chất của người nông dân đất Sen hồng, được người dân đồng tình hưởng ứng và đạt những kết quả rất khả quan trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực, nhân lực, nâng chất lượng mô hình tại địa phương. Thực hiện rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí thi đua thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân thấy được lợi ích để tích cực tham gia mô hình; quán triệt quan điểm triển khai lâu dài, chắc chắn và bền vững.


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.