Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

T.Nhân-H.Trường - 09:36, 03/05/2024

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Mô hình nuôi hưu sao theo chuỗi giá trị ở Quảng Nam được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nuôi hưu sao theo chuỗi giá trị ở Quảng Nam được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Từ những chuyến tham quan thực tế để học hỏi mô hình chăn nuôi ở một số địa phương, nhiều hộ dân ở huyện Đông Giang đã áp dụng để làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Mới đây, chính quyền địa phương đã cho 3 hộ dân ở xã Zà Hung đi học hỏi mô hình nuôi hưu sao ở Hà Tĩnh, cùng với đó là việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi hưu cho các hộ dân này. Thấy mô hình phù hợp, các ông Alăng Toi, A Vô Cưa và A Vô Nia (thôn Xanh Gố) đã bắt tay vào đầu tư chuồng trại để nuôi hưu.

Với số vốn khoảng 300 triệu đồng, sau hơn một tháng triển khai, khu chuồng trại rộng gần 300m2 đã hình thành. Chính quyền huyện Đông Giang đã cấp 15 con hưu trưởng thành để các hộ chăn nuôi. “Đây là mô hình mới, chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển kinh tế trong thời gian tới. So với trâu, bò, thức ăn cho hưu cũng dễ kiếm hơn, chủ yếu lá cây, cỏ voi, và một số củ quả thông thường từ nông nghiệp. Công chăm sóc cũng ít tốn hơn so với trâu, bò, hiệu quả kinh tế có vẻ khả quan hơn”, ông Alăng Toi chia sẻ.

Ngoài 3 hộ dân nói trên, tại xã Zà Hung có khoảng 10 hộ khác cũng được hỗ trợ hưu sao để cải thiện kinh tế. Hiện đã có 9 hộ đã đầu tư xong chuồng trại và được cấp hưu giống, một hộ đang trong quá trình hoàn thành chuồng trại sẽ được cấp sau. Đa số các hộ dân đều phấn khởi vì được nhận hỗ trợ hưu giống từ phía chính quyền, với giá nhung hưu hiện nay khoảng 14 triệu đồng/kg, người dân rất kỳ vọng sẽ phát triển kinh tế từ nguồn đầu tư mới này.

Ông Bnướch Bíp, Chủ tịch UBND xã Zà Hung, cho biết: Mô hình sinh kế mới này đang được hy vọng sẽ là bước cải thiện đáng kể kinh tế cho người dân. Người dân không phải lo về đầu ra về nhung hưu, nếu có chỗ bán giá cao thì người dân cứ bán, nếu không thì đã có chỗ thu mua ổn định cho bà con. 

Bên cạnh việc hỗ trợ hưu giống, chính quyền còn tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, cũng như hỗ trợ tư vấn chuồng trại cho người dân.

Mô hình sản xuất chè dây đang ngày càng cải thiện sinh kế cho bà con
Mô hình sản xuất chè dây đang ngày càng cải thiện sinh kế cho bà con

Không chỉ ở Zà Hung, từ nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đông Giang đã chi hàng tỉ đồng để hỗ trợ con giống cho người dân ở các xã Ba, xã Tư và thị trấn Prao. Không dấu nổi vui mừng vì được cấp 5 con hưu để làm vốn, ông Nguyễn Văn Thời (xã Ba) cho biết: Gia đình mình vừa mới thoát khỏi diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ hưu giống để phát triển kinh tế, mình rát mừng.

Sau khi được tập huấn kỹ thuật, gia đình ông đã đầu tư 33 triệu đồng để làm chuồng trại. Hiện đàn hưu phát triển tốt. Một con đã nhú nhung, chừng vài tháng nữa là đã có thu hoạch. Đây là mô hình mới ở địa phương, chúng tôi rất hứng thú và kỳ vọng nay mai sẽ có thu nhập ổn định từ nuôi hưu.

Bên cạnh việc phát triển các mô hình chăn nuôi, huyện Đông Giang đang mở rộng diện tích trồng chè dây, cây ba kích… bước đầu mang lại hiệu quả. Cây chè dây được phân bổ chủ yếu ở xã Ba, xã Tư và một số vùng lân cận. Với giá bán hiện nay, từ 90.000 -150.000 đồng/kg chè dây khô, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Huyện Đông Giang cũng đang đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả theo chuỗi sản xuất để cải thiện sinh kế cho bà con
Huyện Đông Giang cũng đang đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả theo chuỗi sản xuất để cải thiện sinh kế cho bà con

Là một trong những người sở hữu vườn chè hơn 3 sào đất, ông Phạm Minh Quang, xã Ba) cho hay, chè dây dễ trồng, ít công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế đem lại rất đáng kể. Với giá thành hiện nay, khoảng 110.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông hái 3-4 lần, có thể thu lại 30-40 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ dân trồng chè trên địa bàn đã liên kết sản xuất, nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây chè.

Theo ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ đắc lực cho địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị. Hiện nay huyện đang triển khai 10 chuỗi liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mỗi chuỗi sản xuất được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Các chuỗi sản xuất như cây quế, cây chè, cây ăn trái, hưu sao và nuôi heo đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đời sống kinh tế người dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. 

“Điều này cho thấy, việc triển khai phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết ở địa phương là khá phù hợp, vừa giải quyết việc làm cho lao động vừa cải thiện đầu ra của sản phẩm cho người dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tính toán các mô hình sản xuất kinh tế phù hợp để tiếp tục hỗ trợ người dân”, ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch huyện khẳng định.