Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nam Giang (Quảng Nam): Chương trình MTQG giúp người dân thoát nghèo bền vững

T.Nhân-H.Trường - 14:18, 02/01/2024

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện Nam Giang đã lồng ghép cùng các nguồn vốn các chương trình khác để hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển các mô hình kinh tế, từ đó tiến đến giảm nghèo. Nhờ đó, trong năm 2023, toàn huyện có hơn 500 hộ dân thoát nghèo.

Mô hình trồng bưởi theo chuỗi liên kết đang cho hiệu quả tốt
Mô hình trồng bưởi theo chuỗi liên kết đang cho hiệu quả tốt


Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, những hộ nghèo còn được hỗ trợ kinh phí, cây giống, con giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cũng như hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Anh Bh’Nướch Bia (trú thôn A Liêng, xã Tà Bhing, Nam Giang) là một trong những hộ dân được nhận 100 cây bưởi da xanh giống về trồng. Nhờ giống cây đảm bảo chất lượng, chăm bón đúng kỹ thuật, vườn bưởi nhà anh luôn xanh tốt, sinh trưởng khoẻ. “Tôi hi vọng trong những năm tới, sẽ có thu nhập ổn định từ vườn bưởi. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi để nâng cao kinh tế”, anh Bia nói.

Tương tự, từ 100 cây mít Thái được hỗ trợ, gia đình anh Cha Brang Ban đã tận công chăm sóc đến nay đã bắt đầu phát huy hiệu quả kinh tế. Theo anh Ban, cùng với hỗ trợ về giống, gia đình anh cũng được cán bộ Khuyến nông hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Đến nay, vườn mít của gia đình anh đã bắt đầu cho trái. Anh Ban cho hay: Trước đây gia đình trồng keo, nhưng không mấy hiệu quả. Nay được Nhà nước hỗ trợ giống mít, gia đình tôi rất mừng và đang cố gắng chăm sóc cho cây phát triển tốt để đạt năng suất cao.

Gia đình anh Cha Brang Ban rất kỳ vọng từ vào vườn mít Thái mà gia đình được nhận giống từ Nhà nước hỗ trợ
Gia đình anh Cha Brang Ban rất kỳ vọng vào vườn mít Thái mà gia đình được nhận giống từ Nhà nước hỗ trợ

Cách làm hay ở huyện Nam Giang là đã lồng ghép nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 với một số nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Một trong những mô hình triển vọng ở địa phương là trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã nông lâm nghiệp A Liêng (HTX A Liêng) ở xã Ta Bhing.

Tháng 8/2022, huyện Nam Giang đã quyết định thành lập HTX A Liêng với 15 thành viên. Trong đó 75% thành viên là người trong các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 25% thành viên còn lại là những hộ sản xuất kinh doanh giỏi với vai trò dẫn dắt. Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 420 triệu đồng từ ngân sách địa phương để hợp tác xã đầu tư con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật cho các thành viên.

Ngoài ngân sách được tỉnh bố trí, UBND huyện Nam Giang đã trích ngân sách để hỗ trợ người dân về xây dựng chuồng trại, hạ tầng giao thông và các trang thiết bị khác trong mô hình. Đến tháng 10/2022, mô hình được hoàn thành với kinh phí đầu tư hơn 900 triệu đồng trên diện tích khoảng 3.000m2, quy mô 120 con heo giống bản địa với hình thức nuôi bán chăn thả.

Anh Bríu Chéo, Tổ trưởng tổ sản xuất, Hợp tác xã nông lâm nghiệp A Liêng cho biết: Tính đến nay, qua gần 1 năm triển khai, mô hình cho thấy hiệu quả rất khả quan khi đàn heo phát triển tốt, heo giống và heo thịt xuất bán đều đặn với doanh thu khoảng trên 300 triệu đồng. Giống heo này cũng dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc. Trung bình mỗi tuần chỉ cần 2 thành viên thực hiện các công việc như cho ăn, vệ sinh chuồng trại.

Nuôi heo đen kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều hộ dân ở Nam Giang cải tạo sinh kế
Nuôi heo đen kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều hộ dân ở Nam Giang cải tạo sinh kế

Ông Hồ Viết Căn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Giang cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023, huyện đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân với kinh phí hơn 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trong đó, huyện tập trung vào các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hỗ trợ người dân chăn nuôi heo, bò theo chuỗi để đảm bảo đầu ra ổn định. Nhìn chung, các nguồn lực từ Chương trình MTQG đã hỗ trợ đắc lực cho người dân cải thiện sinh kế, sớm vươn lên thoát nghèo.

Còn ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ: Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do đó trong thời gian qua địa phương chú trọng việc huyển đồi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh triển khai mô hình trồng bưởi theo chuỗi liên kết các hộ gia đình, bên cạnh đó chú trọng về chăn nuôi heo đen, nuôi bò theo chuỗi liên kết. Ngoài ra, địa phương đang đẩy mạnh mô hình trồng gỗ lớn. Đây là một trong những thế mạnh để địa phương triển khai đầu tư.

“Cùng với nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG 1719, địa phương đã lồng ghép với các nguồn lực khác từ Trung ương, tỉnh và địa phương để từng bước phát triển kinh tế hạ tầng, đầu tư để các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế. Từ nguồn lực này, các cấp đã triển khai đến người dân để họ từng bước ổn định sinh kế, và vươn lên thoát nghèo. So với năm ngoái, trong năm nay địa phương đã có hơn 520 hộ thoát được nghèo nhờ sự nỗ lực từ bản thân cùng với sự trợ lức từ các nguồn vốn được chính quyền hỗ trợ”, ông A Viết Sơn cho biết thêm.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 phân cho huyện là khoảng 205 tỉ đồng, vốn sự nghiệp khoảng 120 tỉ đồng. Xác định đây là nguồn lực quý báu, huyện đã khẩn trương triển khai để thực hiện các dự án, tiểu dự án nhằm thay đổi phần nào đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Đến nay, nguồn vốn đầu tư, huyện đã giải ngân được khoảng 80%, đầu tư vào xây dựng các công trình đường giao thông, công trình nước sạch, và xây dựng cơ sở trường học trên địa bàn. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, huyện cũng đã giải ngân hơn 60%. Từ nguồn lực này, các xã, thị trấn cũng mạnh dạn đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi để từng bước thoát nghèo.