Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào vùng cao Bình Liêu với những mô hình sinh kế hiệu quả: Phát triển kinh tế rừng bền vững (Bài 1)

Mỹ Dung - 04:11, 26/11/2023

Tăng cường quản lý sử dụng, bảo vệ rừng tự nhiên; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn và cây trồng lâm nghiệp mới cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của địa phương; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế rừng hiệu quả… Đó là những giải pháp mà huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã và đang thực hiện nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng cao, đồng thời từng bước đưa kinh tế rừng phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Người dân Bình Liêu thu hoạch quế
Người dân Bình Liêu thu hoạch quế

Làm giàu từ rừng

Bình Liêu là huyện miền núi với tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ rừng lớn của tỉnh, với 18.000 ha rừng phòng hộ, 22.000 ha rừng sản xuất. 

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thu nhập từ rừng, đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Tại xã Húc Động, khoảng 50% số hộ dân đang trồng quế, hồi với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha. Nguồn thu từ rừng ổn định, quế, hồi được chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng cao. Nhiều gia đình trong xã không có đất để trồng quế, hồi đã tham gia thu mua vỏ quế, hoa hồi, khai thác nhựa thông hoặc làm dịch vụ vận chuyển, bóc vỏ quế, khai thác hoa hồi thuê cho những hộ khác.

Gia đình anh Chìu Tắc Lò, thôn Sú Cáu, xã Húc Động, có 4ha trồng quế và hồi. Nguồn thu từ rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mỗi năm. “Ba vụ quế, hồi gần đây gia đình tôi đã có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. Tôi nghĩ nguồn thu từ rừng khá ổn định, nếu mình chịu khó chăm sóc thì sẽ đạt sản lượng cao”, anh Lò chia sẻ thêm.

Người dân huyện Bình Liêu cũng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất, giá trị của cây quế, hồi, sở, nhân sâm tím, dong riềng. Chính quyền địa phương đã giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng để người dân tiếp tục phát triển lâm nghiệp.

Không chỉ trồng, khai thác sản lượng lâm sản đơn thuần, nhiều hộ dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm OCOP Bình Liêu như dầu sở, các loại tinh dầu tự nhiên hồi, quế... 

Đồng thời, huyện đã gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tiêu biểu Hội hoa sở được tổ chức lần đầu năm 2015 đến nay đã khẳng định thương hiệu du lịch đặc trưng riêng có ở huyện miền núi Bình Liêu.

Chị Loan Thị Thúy, thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm chia sẻ, gia đình hiện có trên 1ha rừng sở, mỗi năm cho thu hoạch trung bình từ 2-2,5 tấn hạt sở bán cho các cơ sở thu mua ép dầu sở xuất bán sang Trung Quốc, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Song nhận thấy tiềm năng phát triển rừng sở gắn với du lịch rất lớn, năm 2021 chúng tôi đã xây dựng homestay Hoa sở ngay tại rừng sở thôn Đồng Long.

“Mặc dù mới đi vào hoạt động song homestay đã thu hút khá đông du khách bởi vị trí, không gian đặc sắc, hứa hẹn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch mở cửa trở lại vào năm 2022”, chi Thúy cho biết thêm.

Phát huy hiệu quả sinh kế từ rừng

Hiện nay, phát triển kinh tế rừng đã giúp người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng, các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bình Liêu đang tiếp tục giao đất, giao rừng cho người dân, nhằm đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn đều có chủ, qua đó tạo dư địa về rừng để người dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Từ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đến hết năm 2022, huyện Bình Liêu cơ bản không còn hộ nghèo.

Giá trị rừng của Bình Liêu giờ đây không chỉ thông qua sản lượng lâm sản thu được, mà rừng còn là "chất liệu" để địa phương phát triển du lịch. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Liêu, chia sẻ: “Từ năm 2015, huyện đã tận dụng, khai thác vẻ đẹp tự nhiên của rừng sở để tổ chức Hội hoa sở, tạo thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thương hiệu văn hóa của huyện vùng cao Bình Liêu. 

Qua nhiều năm được tổ chức thành công, hội hoa sở Bình Liêu không chỉ tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng, thu hút rất đông du khách tham gia, mà còn góp phần thúc đẩy tăng nhanh cả về diện tích, chất lượng rừng trồng trên địa bàn huyện. Gần đây, nhiều hoạt động du lịch mà Bình Liêu tổ chức cũng được gắn với rừng”.

Homestay Hoa sở khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của rừng sở thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm
Homestay Hoa sở khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của rừng sở thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm

Tiếp tục khẳng định thế mạnh vùng cao Bình Liêu là lâm nghiệp, quan trọng nhất vẫn là phải tạo sinh kế cho người dân từ rừng. Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, trong năm 2023, huyện Bình Liêu tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân miền núi, biên giới, bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

 Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 600 lao động trở lên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng trên 83%.