Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào Mông ở vùng cao Kỳ Sơn đang đối diện với vụ gừng… đắng

Thanh Nguyễn - 18:19, 27/03/2022

Bà con các xã vùng rẻo cao huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang có một mùa gừng “đắng”. Gừng từ lâu đã là cây đặc sản ở vùng núi này, nhưng đang phải chờ “giải cứu” vì… ế chỏng chơ, dù giá giảm sâu kỉ lục.


Gừng của nông dân Kỳ Sơn đổ đống nhưng vắng thương lái
Gừng của nông dân Kỳ Sơn đổ đống nhưng vắng thương lái

Gừng Kỳ Sơn từ lâu là cây trồng đặc sản của bà con người Mông, nơi vùng giáp biên. Ở thời điểm đầu năm 2021, mỗi kg gừng có giá 25.000 đồng. Tính ra, 1ha gừng thu về chừng 300 triệu đồng. Chả thế mà gừng đã trở thành cây xóa nghèo, rồi cây làm giàu cho bà con miền núi nơi đây.

Nhưng nay, gừng rớt giá thê thảm. Bà con người Mông nơi đây đang có một vụ gừng “đắng”. Hiện tại, giá gừng chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/kg. Khó khăn hơn, dù giá rất rẻ nhưng vẫn không tiêu thụ được, khiến lượng gừng hiện còn tồn đọng trên 5.000 tấn.

Ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết: sản lượng gừng của Kỳ Sơn trong vụ này khoảng 5.400 tấn. Đến thời điểm này, mới tiêu thụ được mấy trăm tấn, còn hơn 5.000 tấn đang tồn đọng tại các cơ sở thu mua và ở trong dân.

Nguyên nhân gừng Kỳ Sơn năm nay rớt giá sâu, khó tiêu thụ, theo ông Nguyễn Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, là đơn vị thu mua tiêu thụ gừng chính trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cho rằng, do năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương lái ít về, xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn, giá vận tải tăng cao... Trong khi đó, gừng từ các địa phương khác có mẫu mã đẹp bán trên thị trường nhiều, nên khó cạnh tranh.

Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có 800-850ha gừng, trồng tập trung tại các xã Đoọc Mạy, Keng Đu, Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn. Đây từ lâu đã là cây thoát nghèo của bà con người Mông nơi miền biên viễn.

Để gỡ khó cho bà con nông dân, các cấp ngành ở huyện Kỳ Sơn đã chung tay, bằng rất nhiều cách, trong đó có giải pháp kêu gọi giải cứu.

Hiện tại, Hội Nông dân huyện đã khảo sát tình hình thực tế sản lượng gừng còn tồn đọng; đồng thời vào cuộc giải cứu gừng bằng cách, kết nối với hội nông dân các địa phương khác. Theo đó, các cấp hội nông dân nào quan tâm giúp đỡ, thì có đơn vị cung ứng đến tận nơi. “Tuy nhiên, lượng gừng tiêu thụ trong những ngày qua vẫn chưa được nhiều và hiện đang tiếp tục kêu gọi “giải cứu”, ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Kỳ Sơn chia sẻ.

Bà con nông dân Kỳ Sơn đang có một mùa gừng đắng
Bà con nông dân Kỳ Sơn đang có một mùa gừng đắng

Sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với bao tiềm ẩn rủi ro và đầy bấp bênh. Nay, gừng của bà con huyện Kỳ Sơn đang chờ giải cứu, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn. Bởi, kêu gọi “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế mà thôi.

Cuối tháng 4 hàng năm, vụ thu hoạch gừng sẽ kết thúc. Nếu vẫn chưa giải quyết hết hàng ngàn tấn gừng còn tồn đọng, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ, diện tích xuống giống trong vụ năm nay. Chủ tịch Hội nông dân huyện Kỳ Sơn Phan Văn Mạnh nói thêm: đến hết tháng 4 năm nay vẫn chưa thu hoạch và bán xong, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng củ vì khi ấy gừng sẽ nảy mầm. Mặt khác, tiến độ sản xuất vụ mới cũng bị chậm trễ. Quan trọng hơn, tâm lí sản xuất của bà con sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Trước tình hình đầu ra gặp khó khăn, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An vừa có công văn gửi các tổ chức, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh về việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm gừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Nhằm hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối, tiêu thụ sản phẩm gừng Kỳ Sơn; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân có hành động thiết thực tham gia kết nối, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm; phối hợp thông báo với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh biết để kết nối, tiêu thụ sản phẩm.