Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài về nước vì gặp rủi ro: Nâng định mức là phù hợp

Sỹ Hào - 14:45, 19/06/2020

Cùng với cơ chế ưu đãi để khuyến khích lao động (LĐ) ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ cho những LĐ gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài. Nhưng do nhiều hạn chế, chính sách hỗ trợ LĐ gặp rủi ro ở nước ngoài chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Nâng mức hỗ trợ LĐ làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro về nước. (Ảnh minh họa)
Nâng mức hỗ trợ LĐ làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro về nước. (Ảnh minh họa)

Nhiều rủi ro

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, LĐ nước ta, đặc biệt là LĐ có tay nghề thấp, người nghèo, người DTTS, phụ nữ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp nhiều rủi ro do thiếu thông tin khi tiếp cận dịch vụ. Đặc biệt, LĐ khi làm việc ở nước ngoài có thể đối diện với những rủi ro đột xuất, bắt nguồn từ những bất ổn của nước sở tại hoặc dịch bệnh.

Những ai quan tâm đến hoạt động XKLĐ chắc hẳn sẽ không thể quên những vụ “giải cứu lao động” ở Libya về nước năm 2011 và 2014 do những bất ổn về chính trị tại quốc gia này. Chỉ tính biến động năm 2011, hơn 10 nghìn LĐ Việt Nam tại Libya, trong đó có những LĐ mới sang đã phải về nước trước thời hạn. Điều này đồng nghĩa, những khoản vay để XKLĐ sẽ khó có nguồn để trả.

Mới đây nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, LĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài cũng lao đao. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tính đến hết quý I/2020, có 560 nghìn LĐ Việt Nam đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.

Số liệu của Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, đa số LĐ đều có nguyện vọng ở lại nước sở tại, số LĐ về nước không nhiều (4.929 người). Tuy nhiên, cũng như LĐ trong nước, LĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng bị giãn việc, mất việc trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của các quốc gia sở tại.

Mức hỗ trợ thấp

Đối với LĐ làm việc ở nước ngoài phải về nước vì những lý do khách quan nêu trên, Chính phủ đã quy định chính sách hỗ trợ. Theo đó, người LĐ sẽ được hoàn trả các khoản chi phí tiền môi giới, tiền dịch vụ và hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, theo Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg (QĐ 144), ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, khi về nước trước thời hạn vì lý do khách quan, bên môi giới có trách nhiệm hoàn trả lại cho LĐ một phần tiền môi giới LĐ đã nộp theo nguyên tắc: LĐ làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. LĐ đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Cơ chế này phần nào tháo gỡ khó khăn về tài chính cho LĐ làm việc ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn. Nhưng điều băn khoăn là mức hỗ trợ để đưa LĐ về nước trong trường hợp gặp rủi ro khách quan hiện rất thấp, không đủ chi phí để LĐ mua vé máy bay, chứ chưa nói đến các chi phí sinh hoạt khác.

Theo QĐ 144, đối với LĐ phải về nước trước thời hạn do yếu tố khách quan, mỗi người sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/vé máy bay/LĐ, trích từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Mức hỗ trợ này được duy trì từ năm 2007 đến nay, trong khi hiện chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trên 40%. Đó là chưa kể, điều kiện bắt buộc đi kèm để được hỗ trợ là thời gian làm việc của LĐ tại nước sở tại phải dưới 12 tháng.

Mức hỗ trợ LĐ về nước vì gặp rủi ro rất thấp, trong khi đó, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đang kết dư lớn. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), từ năm 2007 đến 31/12/2019, kết quả thu của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là gần 354,8 tỷ đồng; nhưng Quỹ chỉ mới chi 114,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 14 nghìn trường hợp là LĐ và doanh nghiệp. Vì vậy, việc xem xét nâng định mức hỗ trợ LĐ phải về nước vì gặp rủi ro có thể là đề xuất phù hợp.