Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi mới toàn diện ở vùng đồng bào Chăm

Ngọc Ánh- Tiêu Dao - 15:00, 16/11/2023

Sinh sống trên vùng đất nhiều khó khăn về cả khí hậu lẫn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm, đồng bào Chăm với nền nông nghiệp lúa nước đã vượt qua không ít những gian nan để tồn tại và phát triển. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, đưa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào Chăm trong cả nước nói chung, 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nói riêng vươn lên phát triển toàn diện về mọi mặt.

 Làng Chăm Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nhìn từ trên cao (Ảnh FPV Ninh Thuận)
Làng Chăm Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nhìn từ trên cao (Ảnh FPV Ninh Thuận)

Đổi mới toàn diện

Hiện nay, người Chăm trên cả nước có khoảng hơn 160 nghìn người, sinh sống trên địa bàn thuộc 35 huyện, thị của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong đó tập trung đông nhất ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. 

Thời điểm năm 2004 trở về trước, vùng đồng bào Chăm có nhiều vấn đề khó khăn, bất cập. Tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển; đời sống của một bộ phận đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mức trung bình của cả nước; công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa còn nhiều hạn chế; nhiều nơi đồng bào thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, lực lượng đảng viên cốt cán là người Chăm còn mỏng.

Nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, bất cập trên, tạo động lực cho đồng bào Chăm nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung của người dân cả nước, từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị, nhờ có sự hỗ trợ của trung ương, các tỉnh, thành phố đã ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn, theo đó, vùng đồng bào Chăm đã thay đổi toàn diện về kinh tế - xã hội; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào Chăm đã chuyển biến rõ nét.

Làng Chăm Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) hôm nay
Làng Chăm Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) hôm nay ((Ảnh FPV Ninh Thuận)

Tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất cả nước với trên 85 ngàn nhân khẩu, chiếm 11% dân số trên toàn tỉnh, sự đổi thay hiện diện rõ ở từng thôn, làng. Từ nhiều năm nay, 100% thôn, xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia và có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 100% số hộ có nguồn nước sạch sinh hoạt. 100% số xã có trạm y tế, nhà văn hóa xã, 100% thôn, khu phố vùng đồng bào Chăm có trường mẫu giáo tiểu học... Đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người được nâng cao. Có điều kiện kinh tế, đồng bào Chăm tập trung phục hồi, phát triển các làng nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm (Mỹ Nghiệp), làm gốm (Bàu Trúc), nghề chế biến thuốc nam… gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập ngay tại quê hương. 

Còn tại tỉnh Bình Thuận, người Chăm sinh sống tập trung chủ yếu ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị thành phố của tỉnh với tổng dân số trên 40 ngàn người. Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng trên 130 hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sinh hoạt nông thôn tại vùng đồng bào Chăm với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Đến những xã thuần đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hôm nay, điều dễ nhận thấy là hầu hết các con đường lớn nhỏ trong xã đều đã được bê tông hóa. Điện, trường, trạm, nhà văn hóa… cũng được đầu tư hoàn thiện. 

Vươn lên từ gian khó

Hiện nay, ngoài nguồn thu nhập sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận còn có nguồn thu từ trồng lúa và các loại cây trồng chủ lực theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao như nho, táo, măng tây xanh kết hợp chăn nuôi gia súc (bò, dê, cừu). Huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cũng triển khai, nhân rộng các mô hình sinh kế, liên kết sản xuất hiệu quả như: trồng măng tây, nho, táo; sản xuất lúa, ngô, rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chăn nuôi bò, dê, cừu; phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm gốm truyền thống…

Nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng lúa nước kết hợp với chăn nuôi. Nhiều hộ đã có thu nhập khá, đời sống đồng bào Chăm đã được cải thiện rõ rệt. Điển hình như hộ ông Châu Văn Tho liên kết sản xuất 8 ha lúa với HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức, có doanh thu 360 triệu đồng/vụ; hay hộ ông Bá Đa Lộc với đàn bò 25 con, hơn 2 ha lúa, thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Năm 2022, thu nhập bình quân của huyện Ninh Phước đạt 64,45 triệu đồng/người (vượt 0,32 triệu đồng so với kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,48%. Đặc biệt, số hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào Chăm giảm 1 - 2% so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện.

Đường nông thôn mới huyện Ninh Phước hôm nay (Ảnh TL)
Đường nông thôn mới huyện Ninh Phước hôm nay (Ảnh TL)

Theo Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, những năm qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng đồng bào DTTS nói chung, vùng đồng bào Chăm nói riêng tại địa phương. Hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS, lồng ghép các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG 1719 nhằm dồn tổng lực đầu tư đồng bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. 

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới vùng đồng bào Chăm có nhiều khởi sắc. Hiện tại, vùng đồng bào Chăm của Ninh Thuận có 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Nhiều gia đình đầu tư nuôi dạy con cái học hành thành đạt, nhiều người con dân tộc Chăm có học hàm, học vị cao, tích cực góp phần xây dựng thôn xóm vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển. 

Giáo viên chăm lo giảng dạy cho học sinh làng Chăm Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận
Giáo viên chăm lo giảng dạy cho học sinh làng Chăm Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận).- Ảnh Thái Sơn Ngọc)

Tại Bình Thuận, đồng bào Chăm cũng được chính quyền hỗ trợ các mô hình sinh kế, liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Các ngành chức năng tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, giúp bà con phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập. Điển hình cho sự đổi thay ấy như 3 xã thuần đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình là Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới từ cuối năm 2017.

Các xã thuần Chăm đều có chợ (một số xã có 2 chợ) phục vụ nhu cầu mua, bán, trao đổi hàng hóa… Vấn đề thiếu đất sản xuất cơ bản được giải quyết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 1 - 2,4%/năm, tiệm cận với tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung của cả nước. Triển khai Chương trình MTQG 1719, huyện Bắc Bình đã được bố trí nguồn vốn 600 triệu đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại nhiều thôn làng đồng bào Chăm. Đây là nguồn vốn để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Một góc làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) trong Lễ hội Katê 2023
Một góc làng Chăm Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) trong Lễ hội Katê 2023

Đặc biệt, mùa Lễ hội Katê năm nay, đồng bào Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đón một cái Tết sung túc, linh thiêng, rộn ràng, sôi nổi với phong phú các hoạt động cả phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm Lễ thỉnh và rước y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính; Lễ mở cửa đền, tháp; Lễ tắm bệ thờ Linga-Yoni; Lễ mặc y phục cho tượng thần, Đại lễ Katê trước tháp chính. Phần hội trải rộng từ các đền tháp về tới thôn, làng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn trang phục, hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, nặn gốm truyền thống, tổ chức các giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian… Thu hút hàng ngàn du khách thập phương về chung vui cùng đồng bào.

Đồng bào Chăm tổ chức Lễ Katê ấm cúng với những lễ vật dâng cúng sung túc
Đồng bào Chăm tổ chức Lễ Katê ấm cúng với những lễ vật dâng cúng sung túc- Ảnh Thái Sơn Ngọc

Tại Lễ hội Katê năm 2023, thay mặt đồng bào Chăm, Sư Cả quản hạt Thông Minh Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc tôn giáo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tổ chức Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư trong suốt gần 20 năm qua. Đồng thời, khẳng định, cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận sẽ hết lòng vì trách nhiệm, chung sức xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo vệ quê hương Bình Thuận cùng với sự phát triển chung của đất nước.