Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đổi mới sáng tạo là thời cơ cho giáo dục Việt Nam "cất cánh"

PV - 08:30, 29/01/2021

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đổi mới sáng tạo là thời cơ cho giáo dục Việt Nam “cất cánh”, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội XIII. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội XIII. (Ảnh: TTXVN)

Bên lề Đại hội XIII của Đảng, chiều 28/1, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến quan điểm về đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được nêu trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đổi mới sáng tạo là thời cơ cho giáo dục Việt Nam “cất cánh”, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, xin ông cho biết, Nghị quyết đã được thể chế hóa và cụ thể, áp dụng trong thực tiễn như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Với hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách khắc phục hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm trước.

Lần đầu tiên trong 2 năm liên tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục (sửa đổi, ban hành mới) năm 2019, giải quyết những “nút thắt” và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.

Cùng với đó, ngành Giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học Cơ sở. Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%.

Có thể nói, đây là một kết quả lớn với hệ thống chính trị và đất nước ta, trong bối cảnh thu nhập chưa cao, điều kiện giao thông còn nhiều cách trở và còn nhiều vùng kinh tế khó khăn. Đây cũng là điểm sáng trong đổi mới giáo dục của nước ta và được các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh); đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, được đánh giá cao trong khu vực, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng bài bản, tiếp cận quốc tế, theo quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các môn học ở các cấp học, lớp học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế của chương trình hiện hành, đồng thời thay đổi cách tiếp cận từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Đáng chú ý, chất lượng giáo dục mũi nhọn được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng, so với 27 huy chương Vàng giai đoạn 2011-2015. Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó, phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể; qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Việc tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; quan tâm, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á.

Kinh nghiệm rút ra là phải kiên trì đổi mới. Cho đến nay, một điểm sáng rất quan trọng là chúng ta đã đi đúng hướng, đổi mới từ mầm non, phổ thông cho đến đại học. Nói một cách dễ hiểu, sau một lớp học, năm học hay khóa học, thay vì được hỏi “biết cái gì” sẽ chuyển sang tập trung giải quyết câu hỏi “học sinh biết làm gì”. Điều này đã khắc phục rất căn bản thực trạng học lý thuyết không gắn với thực hành, trải nghiệm.

Trong số 5 nhóm giải pháp cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt giải pháp đột phá “đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường”. Từ việc hoàn thành nhiệm vụ đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong thời gian qua, giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội; qua đó, tháo gỡ những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội XIII. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội XIII. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với những kết quả đã đạt được, có ý kiến cho rằng, công tác đổi mới đang “nghiêng về đào tạo nhiều hơn giáo dục”. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi thấy ý kiến đó có cơ sở. Lĩnh vực giáo dục đào tạo rất rộng lớn, liên quan đến mọi người, mọi nhà và không chỉ trong phạm vi một quốc gia. Giáo dục luôn luôn phát triển. Kỳ vọng của mỗi người đi học cũng như gia đình rất lớn trong khi điều kiện thực hiện cũng ở các mức độ khác nhau. Do đó, dù là nước có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đang tích cực thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện để chất lượng giáo dục tiến nhanh với những nền giáo dục tiên tiến.

Với mục tiêu là toàn diện, chúng ta có rất nhiều yếu tố cộng hưởng. Việt Nam có một truyền thống khoa bảng, nhưng bên cạnh việc có kiến thức, vấn đề giáo dục về kỹ năng, đặc biệt kỹ năng mềm, đạo đức, cách ứng xử, giáo dục thể chất để tầm vóc, hoạt động thể lực của các em vẫn còn hạn chế. Do đó, có ý kiến nói rằng chúng ta thiên nhiều về đào tạo mà tập trung cho giáo dục là có cơ sở.

Tuy nhiên cũng nên nghĩ một cách công bằng. Đối với cấp Trung học Phổ thông, Việt Nam tập trung nhiều về giáo dục, hướng tới sự toàn diện nhưng với bậc đại học phải tập trung đào tạo chuyên sâu. Công tác này đang ở trong giai đoạn hoàn thiện, việc tạo môi trường để sinh viên phát triển kỹ năng, tiếp cận với môi trường việc làm, doanh nghiệp vẫn còn yếu.

Thực hiện đề án Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (gọi tắt là Đề án 1665), sau 3 năm, kết quả đạt được rất tốt. Tốt ở đây không hẳn là mỗi năm có khoảng 600 đề án, ý tưởng sáng tạo mà còn tạo ra môi trường để sinh viên trải nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt đường hướng và những vấn đề mạnh-yếu đã được kiểm duyệt. Do vậy, đào tạo không chỉ được hiểu theo kiến thức nghề nghiệp mà phải đi kèm với các ứng xử, kỹ năng nghề nghiệp.

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, tập trung khắc phục những hạn chế, phần “trũng”, “yếu” để có những chính sách chỉ đạo tốt hơn mà không cần tập trung quá nhiều nguồn lực. Mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường, giải phóng nguồn lực của các trường và xã hội, tôi tin rằng 5 năm tới đây, giáo dục đại học sẽ có nhiều chuyển biến, còn giáo dục phổ thông cố gắng ổn định, từng bước đi theo hướng toàn diện.

Ông có đánh giá như thế nào về quan điểm đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được nêu trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quan điểm đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không phải ngẫu nhiên mà là quá trình tập hợp nhiều ý kiến trí tuệ của những người tham gia soạn thảo, giới khoa học, các trường đại học...

Có thể nói, đổi mới sáng tạo là một trong những đường hướng hồn cốt của các trường đại học. Khi nói đến khoa học, có nghĩa nói đến đổi mới sáng tạo. Đổi mới, sáng tạo ở đây không phải làm khác cũ mà có một phương pháp, tư duy, phương thức đổi mới trong hoạt động dạy và học, đổi mới ngay cả trong phương thức kết hợp giữa các trường đại học và doanh nghiệp.

Nhiều người nghĩ rằng, đổi mới sáng tạo là khoa học công nghệ. Điều này là đúng nhưng khi hiểu rộng ra, đổi mới sáng tạo phải thực hiện ngay cả trong tư duy đến hành động, không phải đổi mới theo nghĩa kỹ thuật mà còn đổi mới công nghệ về đào tạo. Việc xác định nhu cầu nguồn nhân lực sẽ phân tích và xây dựng chương trình đào tạo, là giải pháp đưa ra thị trường “một sản phẩm” được chấp nhận.

Thuật ngữ đổi mới sáng tạo là một trong những điểm nhấn của dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tôi tin rằng, nhiệm kỳ 2021-2026, khoa học - công nghệ có vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo của lực lượng trí thức. Khi đi đúng xu hướng, mọi người sẽ nâng cao ý thức, chủ động để bắt kịp cơ hội.

Giai đoạn tới là thời cơ cho giáo dục Việt Nam cất cánh bởi chúng ta có đường hướng rõ ràng, sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số cùng quyết tâm của toàn ngành để tạo ra những chuyển biến tích cực.

Ví dụ, theo tư duy truyền thống, mọi người đang băn khoăn về thiếu giáo viên tiếng Anh. Nhưng với tư duy mới, việc áp dụng công nghệ thông tin thông qua dạy trực tuyến và các bài giảng từ nguồn tài nguyên số, các trường học, cơ sở đào tạo không nhất thiết phải có nhiều giáo viên. Đặc biệt, trẻ em ở các vùng khó khăn, xa xôi được tiếp cận ngay với phiên bản gốc của các bài giảng.

Một ví dụ khác, các phòng thí nghiệm trong phương pháp dạy học truyền thống trước đây phải có máy móc, nhân lực, dụng cụ, giáo cụ... Nhưng đến nay, đã có rất nhiều phòng thí nghiệm ảo, mô phỏng, học sinh và giáo viên rất hào hứng tham gia giảng dạy và học tập.

Như vậy, với sự áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ, nguồn tài nguyên số chia sẻ, chất lượng giáo dục tăng lên, giảm các nguồn lực theo phương pháp truyền thống. Tôi tin rằng, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước sẽ rất khác, Việt Nam sẽ là một trong những nước thuộc nhóm đầu chuyển đổi số giáo dục.

Tôi tin vào thế hệ trẻ Việt Nam, các bạn học giỏi môn Toán, đam mê công nghệ, đổi mới nhanh nên đây sẽ là một cơ hội, xu hướng mà chúng ta phải có trách nhiệm bắt kịp, quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện đổi mới thường đi kèm với những khó khăn, do đó chúng ta cần hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn, thực hiện từng bước. Nếu đã vào đúng đường lối, khắc phục những mặt trái ở mức nhỏ nhất để những thành quả vươn lên.

Cũng giống như một vườn rau, khi mà rau tốt lên rồi, cỏ sẽ ít đi, không nên loay hoay nhặt cỏ mà không chú trọng đến chăm sóc. Đổi mới công tác giáo dục cũng tương tự như vậy, tôi và toàn ngành Giáo dục quan tâm nhiều hơn đến công tác “trồng cấy, chăm sóc” để bớt đi những “cỏ dại”.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.