Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Diễn đàn khuyến nông để tiếp tục nâng cao giá trị cây sắn

Như Lam - 13:55, 02/12/2020

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tổ chức diễn đàn Khuyến nông@nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung”.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc diễn đàn.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc diễn đàn.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sắn năm 2019 khẳng định, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sắn, diện tích trồng sắn đứng thứ ba sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã chuyển đổi từ cây lương thực sang cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học có tốc độ phát triển cao. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sắn, cũng như các sản phẩm từ sắn đang tăng cao, ổn định và có thị trường đầu ra tốt. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2018 đạt 2,4 triệu tấn, giá trị khoảng gần 1 tỷ USD; Năm 2019, diện tích sắn cả nước đạt hơn 519.000 ha. Quảng Ngãi là một trong các tỉnh có diện tích sắn lớn ở khu vực miền Trung. 

Tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích sắn toàn vùng trong năm 2019 đạt gần 157.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích sắn cả nước, năng suất đạt 19,5 tấn/ha, sản lượng 3,06 triệu tấn củ tươi.

Hiện nay, các giống mì mới như KM60, KM 94, KM140, KM95…, góp phần quan trọng tăng năng suất, sản lượng và thực sự mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Tuy nhiên, sắn được trồng chủ yếu ở miền núi trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng đã và đang bị xói mòn và thoái hóa rất nghiêm trọng nên năng suất và chất lượng tinh bột thấp. Hiện nay, tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn đã ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất sắn, nhưng chưa có giống mới để thay thế.


Sự phát triển cây sắn còn thiếu tính bền vững. (ảnh TL)
Sự phát triển cây sắn còn thiếu tính bền vững. (ảnh TL)

Tại Diễn đàn Khuyến nông@nông nghiệp, chủ đề “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung”, các đại biểu đã trình bày các tham luận như: Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sắn và định hướng, giải pháp phát triển cây sắn trong thời gian tới. Một số kết quả nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây sắn thích ứng với điều kiện biến đổi khí khậu ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tình hình sâu bệnh hại sắn và biện pháp phòng trừ; nghiên cứu chọn tạo và khảo nghiệm giống sắn tại khu vực miền Trung; tình hình sản xuất, định hướng và giải pháp phát triển cây sắn nguyên liệu ở Quảng Ngãi….

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Kim Văn Tiêu cho biết, Diễn đàn là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp có cái nhìn khách quan hơn về vị trí, vai trò của cây sắn và những khó khăn đang gặp phải, định hướng sản xuất và phát triển, để từ đó có những định hướng mới trong sản xuất và tiêu thụ cây sắn.

Diễn đàn cũng đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp phát triển cây sắn thời gian tới như, phát huy tối đa lợi thế so sánh của các tỉnh để hình thành các vùng chuyên canh sắn tập trung với quy mô thích hợp; gắn chặt chế biến với các vùng nguyên liệu; phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ, nhằm tạo ra sản lượng sắn cao nhất; từng bước hoàn thiện phân công lao động xã hội trong lĩnh vực trồng và chế biến sắn.

Phát triển các vùng sắn nguyên liệu phải chú trọng đến lựa chọn cơ cấu giống, chế độ canh tác hợp lý, gắn liền với phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, quan tâm đến nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ kỹ thuật để có thể phát triển đồng bộ, lâu bền gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và phát triển môi trường sinh thái.

Người dân làm đất chuẩn bị trồng sắn - TL
Người dân làm đất chuẩn bị trồng sắn - Ảnh TL

Tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy đã xây dựng và có điều kiện xử lý tốt ô nhiễm môi trường để ổn định sản xuất, trên quan điểm sử dụng hợp lý quỹ đất đai, sử dụng các giống mới có tiềm năng năng suất cao, ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để đạt sản lượng cao nhất.

Quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trong chế biến tinh bột sắn để bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định để có cơ sở tổ chức phát triển sản xuất sắn đạt hiệu quả cao nhất.

Liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp đầu tư kinh phí mua giống, phân bón cho vùng sản xuất tập trung, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định. Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao để chuyển giao cho các vùng đã được quy hoạch…

(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)