Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bệnh chổi rồng tàn phá cây mì ở Đăk Tô

PV - 09:55, 24/04/2018

​Cả nghìn héc ta mì (sắn) của người dân ở Đăk Tô (Kon Tum) bị nhiễm bệnh chổi rồng nên các hộ vội vã thu hoạch để “gỡ gạc” chút vốn. Song điều quan trọng là hàng trăm héc ta giống chuẩn bị cho vụ sau cũng bị nhiễm bệnh làm người dân lúng túng chưa biết lấy giống ở đâu để thay thế…

Người dân thiệt đơn thiệt kép

Theo người dân Đăk Tô, bệnh chổi rồng trên cây mì xuất hiện từ hơn một tháng nay. Đến nay, theo thống kê, tổng diện tích mì toàn huyện Đăk Tô bị nhiệm bệnh chổi rồng đã tăng lên hơn 1.000ha nằm rải rác ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Các xã có diện tích bị nhiễm bệnh nhiều là Pô Kô 410ha, Kon Đào 190ha, Tân Cảnh 350ha và thị trấn Đăk Tô 110ha…

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô khảo sát rẫy sắn bị bệnh chổi rồng tại xã Tân Cảnh. Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô khảo sát rẫy sắn bị bệnh chổi rồng tại xã Tân Cảnh.

 

Ông A Quang, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đăk Tô cho biết: Một trong những nguyên nhân chính làm cây mì của người dân bị bệnh chổi rồng là do giống mì của bà con để lại từ năm trước nhiễm bệnh rồi lây lan sang. Hơn nữa giống mì người dân đang trồng là giống M94 đã quá lâu dẫn đến thoái hóa giống, trong khi đó, quá trình trồng, việc đầu tư thâm canh của người dân hạn chế, đất không được cải tạo khiến mầm bệnh phát triển...

Tại xã Tân Cảnh, ông A Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã hiện có hàng trăm héc ta mì bị bệnh chổi rồng. Điều đáng nói, có gia đình mì bị mắc bệnh, sản lượng giảm đến 50%. Đơn cử như gia đình chị Y Den (thôn 2 xã Tân Cảnh) có 8 sào mì, năm trước thu được 40 tấn thì năm nay nhổ lên mì bị thối bỏ hết chỉ thu được 20 tấn.

Theo người dân, mì bị bệnh không chỉ giảm mạnh về sản lượng, mà còn khiến cho lượng chất bột trong mì cũng ảnh hưởng khá nhiều. Theo ông A Chiến, mì không bị bệnh, nhập vào nhà máy đạt 30 độ bột thì khi mắc bệnh chỉ còn khoảng 20 độ bột. Trong khi đó, cứ giảm một độ bột sẽ bị trừ 30 đồng/độ bột. Điều này khiến người nông dân bị thiệt đơn thiệt kép.

Nhưng điều đáng nói nhất là những gốc mì được người dân chặt để chuẩn bị cho vụ sản xuất năm 2018 này cũng bị nhiễm bệnh nên họ chưa biết lấy giống ở đâu để thay thế.

Cần sự hỗ trợ

Trước tình hình đó, huyện Đăk Tô đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện, Trạm Khuyến nông huyện, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không dùng giống mì cũ đã nhiễm bệnh để trồng cho vụ năm 2018 này, đồng thời có biện pháp khắc phục, cải tạo đất để phòng tránh bệnh cho vụ sau.

Theo khuyến cáo, người dân cần làm sạch gốc mì bị bệnh, tiến hành cày, để ải, rắc vôi bột khử trùng và đặc biệt tìm nguồn giống khác thay thế, không nên sử dụng giống mì cũ nhiễm bệnh trồng tiếp, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, hiện toàn huyện có khoảng 3.500ha người dân đã chuẩn bị giống mì đảm bảo không nhiễm bệnh để trồng cho vụ mới năm 2018. Ngoài số lượng trên, còn khoảng hơn 700ha các xã, thị trấn đề nghị được hỗ trợ giống mới bởi nguồn giống cũ đã bị nhiễm bệnh.

Ông A Quang, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tạo điều kiện cho nông dân các xã, thị trấn có diện tích mì bị nhiễm bệnh có giống mới thay thế, Phòng đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và kinh phí sự nghiệp khuyến nông năm 2018 triển khai hỗ trợ giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của người dân, đồng thời dần thay thế giống cũ đã thoái hóa.

VĂN PHƯƠNG