Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Điện Biên: Tăng tốc thực hiện Chương trình MTQG 1719

Tùng Nguyên - 15:48, 16/11/2024

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) vừa là nguồn lực, vừa là động lực để giải quyết cơ bản các nhu cầu bức thiết của Nhân dân ở những địa bàn “lõi nghèo” của tỉnh Điện Biên. Với quyết tâm cao nhất, tỉnh Điện Biên đang tăng tốc để thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 để “về đích” đúng hẹn các mục tiêu đề ra.

Diện mạo vùng DTTS tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên được nâng lên một bước. (Trong ảnh: Bản Văn hóa du lịch Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ).
Diện mạo vùng DTTS tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên được nâng lên một bước. (Trong ảnh: Bản Văn hóa du lịch Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ)

Quyết sách đột phá

Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới. Toàn tỉnh hiện có 646.182 nhân khẩu, gồm 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đông nhất là dân tộc Mông (38,12%) và dân tộc Thái (35,69%) và dân tộc Kinh (17,38%).

Các dân tộc khác chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số của tỉnh. Trong đó, dân tộc Khơ Mú là 3,3%; Dao 1,11%; Kháng 0,87%; Lào 0,86 %; Hà Nhì 0,76%; Hoa 0,49%; Xinh Mun 0,39%; Tày 0,28%; Mường 0,22%; Cống 0,19%; Nùng 0,15%; Thổ 0,05%; Phù Lá 0,04%; Si La 0,04%; Sán Chay 0,03%; còn lại là các dân tộc khác, chiếm 0,3% dân số của tỉnh.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân hằng năm giảm từ 4% trở lên; có ít nhất 01 huyện nghèo và trên 31 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc; đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên được nâng lên một bước. Nhưng nhìn chung, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Điện Biên vẫn còn rất khó khăn. Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 129 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), thì có 126 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có 93 xã khu vực III và có 57 thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, khu vực I.

Nhằm tạo đột phá cho vùng “lõi nghèo”, ngày 10/12/2021, Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt tại Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 18/02/2022.

Chương trình hành động của UBND tỉnh Điện Biên đặt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội. Trong đó, về đời sống, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt trên 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 5% trở lên.

Đây là mục tiêu không dễ thực hiện bởi tại thời điểm năm 2021, GRDP bình quân đầu người của tỉnh mới chỉ đạt 34,96 triệu đồng/năm. Hết năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh vẫn còn 47.233 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,90% (46.804 hộ nghèo là người DTTS).

Chương trình MTQG 1719 vừa là nguồn lực, vừa là động lực để giải quyết cơ bản các nhu cầu bức thiết của Nhân dân ở những địa bàn “lõi nghèo” của tỉnh Điện Biên. (Trong ảnh: Một góc bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ).
Chương trình MTQG 1719 vừa là nguồn lực, vừa là động lực để giải quyết cơ bản các nhu cầu bức thiết của Nhân dân ở những địa bàn “lõi nghèo” của tỉnh Điện Biên. (Trong ảnh: Một góc bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ)

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh; nhất là trong giảm nghèo và nâng cao đời sống Nhân dân.

Số liệu trong Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Điện Biên lần thứ IV – năm 2024 vừa được tổ chức ngày 08/11 cho thấy, trong giai đoạn 2021 – 2024, bình quân mỗi năm tỉnh giảm 6,025% số hộ nghèo trong đồng bào DTTS; thu nhập bình quân dự kiến đến cuối năm 2024 đạt 46,51 triệu đồng/người.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, ông Giàng A Dình, một trong những nguồn lực, đồng thời là động lực của kết quả đó là Chương trình MTQG 1719. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh là 3.473,882 tỷ đồng, trong đó 3.161,879 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương.

Tính đến hết tháng 6/2024, tỉnh đã giải ngân đạt 56,34% kế hoạch vốn giao. Tại thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành 14 chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình MTQG 1719; trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt, như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,025%/năm; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 78,70% (chỉ tiêu là 70%); tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,20% (chỉ tiêu là 85%).

Kịp thời điều chỉnh

Chương trình MTQG 1719 đã tác động rõ rệt đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Điện Biên. Đây là động lực để tỉnh tăng tốc thực hiện các dự án thành phần của Chương trình, tạo nền tảng để triển khai chính sách dân tộc giai đoạn sau năm 2025.

Để “về đích” các mục tiêu Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn, một trong những công tác trọng tâm của tỉnh Điện Biên là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy nhanh tiến độ giái ngân vốn. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể giải ngân vốn một số nội dung chính sách thuộc Chương trình MTQG 1719.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ ĐIỆN BIÊN) Điện Biên: Tăng tốc thực hiện Chương trình MTQG 1719 2
Tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt 78,70%, vượt chỉ tiêu Chương trình MTQG 1719 đề ra

Tại huyện Tủa Chùa, theo Báo cáo số 81/BC-PDT ngày 06/9/2024 của UBND huyện thì địa phương này chưa thể giải ngân vốn Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, với tổng vốn ngân sách Trung ương giao hơn 7,51 tỷ đồng; còn nội dung hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề tổng thì huyện đang rà soát đối tượng thụ hưởng.

Không riêng huyện Tủa Chùa mà hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp.

Trong tháng 9/2024, HĐND tỉnh Điện Biên đã tiến hành đợt giám sát chuyên đề việc thực hiện các Chương trình MTQG tại 8 huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và một số sở, ngành. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở đã được các đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp để có đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ ĐIỆN BIÊN) Điện Biên: Tăng tốc thực hiện Chương trình MTQG 1719 3
Với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên. (Trong ảnh: Mô hình trình diễn lúa chất lượng cao tại huyện Điện Biên Đông)

Qua kết quả giám sát, HĐND tỉnh Điện Biên đánh giá, bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan thì nhiều nguyên nhân khách quan đã khiến việc giải ngân một số dự án chậm tiến độ, thậm chí có nguy cơ không thực hiện được.

Đơn cử, với Tiểu dự án 2: “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi” của Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh gần như không thể triển khai.

Với Chương trình MTQG 1719, tỉnh Điện Biên điều chỉnh giảm kinh phí năm 2024 để thực hiện Dự án 1 từ 20,787 tỷ đồng xuống còn 10,133 tỷ đồng đồng; điều chỉnh tăng vốn thực hiện Dự án 4 từ 34,688 tỷ đồng lên 172,712 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn thực hiện Dự án 9 từ 143,205 tỷ đồng xuống 4,981 tỷ đồng;...

Nguyên nhân là do, theo quy định việc cung ứng, sử dụng nguồn giống tại địa phương phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi. Nhưng cả tỉnh Điện Biên hiện không có cơ sở, đơn vị cung ứng giống gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Theo ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong thực hiện các Chương trình MTQG, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh tăng, giảm kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tại các chương trình.

Ngày 14/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đã ký Quyết định số 1830/QĐ-UBND về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương năm 2024 và vốn kéo dài năm trước chuyển sang cho các đơn vị thực hiện một số nội dung thuộc các Chương trình MTQG, giai đoạn 2021 - 2025. 

Đối với Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh Điện Biên quyết định điều chỉnh giảm 94,970 tỷ đồng của tổng số 95 dự án; đồng thời điều chỉnh tăng nguồn vốn tương ứng cho 26 dự án.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, ông Giàng A Dình, việc điều chỉnh nguồn vốn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 là hoàn toàn cần thiết, giúp các địa phương trong tỉnh quyết tâm hơn, nỗ lực hơn để triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án, từ đó hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh tích hợp các chính sách hỗ trợ đảm bảo thống nhất, đồng bộ về phạm vi, đối tượng, nội dung, định mức kinh phí phù hợp với thực tế của từng địa bàn; không quy định quá chi tiết để việc triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dễ thực hiện ở cơ sở.

Nguồn lực Chương trình MTQG 1719 góp phần quan trọng để tỉnh Điện Biên đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25/115 xã đạt chuẩn NTM; có 200 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, có 01 xã NTM kiểu mẫu, 09 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; 650 thôn bản được công nhận thôn bản đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; có 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP. Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.