Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đến Tiên Yên đi Chợ phiên Hà Lâu

vov.vn - 10:05, 12/11/2020

Chợ phiên Hà Lâu ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh có từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Đến Tiên Yên đi Chợ phiên Hà Lâu

Đây là nơi mua bán của bà con các dân tộc Dao Thanh Y, Tày, Sán Chỉ.... Sau nhiều năm mai một và mất đi, đến cuối năm 2018 UBND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã phục hồi lại phiên chợ này, trở thành điểm dừng chân của du khách.

Xã vùng cao Hà Lâu giáp ranh huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn với các dân tộc Dao Thanh Y, Sán Chỉ, Tày... sinh sống. Trong đó, người Dao Thanh Y chiếm 70% dân số. Chợ phiên Hà Lâu hình thành tự phát, vốn là nơi trao đổi mua bán của đồng bào các dân tộc trong vùng từ hơn 50 năm trước. Khi giao thông chưa phát triển như bây giờ, người vùng cao đến chợ không chỉ để mua bán mà còn là nơi gặp gỡ. Đi chợ trở thành niềm vui tinh thần của cư dân trong vùng. Sau nhiều năm chợ tự mất đi, đến cuối năm 2018, huyện Tiên Yên đã phục dựng, đưa chợ phiên hoạt động trở lại vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Chị Tằng Si Múi, dân tộc Dao Thanh Y mang đến chợ rau củ quả do nhà tự trồng. Từ sáng sớm chị Múi đã tất bật để bày bán hàng hóa của mình: "Hôm nay xuống chợ, tôi cảm thấy rất là vui bởi vì hoa quả, rau cỏ mà chúng tôi làm ra và mang ra bán được mọi người biết đến, mua ủng hộ. Tôi mong muốn phiên chợ Hà Lâu này sẽ là nơi giao lưu, gắn kết văn hóa của dân tộc Dao chúng tôi với các đồng bào dân tộc khác. Khách du lịch họ cũng thích đến chợ."

Một gian hàng của bà con Dao Thanh Y.
Một gian hàng của bà con Dao Thanh Y.

Bà con trong vùng mang lên chợ phiên Hà Lâu nhiều sản phẩm như rau củ quả, mật ong rừng, rượu men lá, dụng cụ đi rừng như dao, rựa, trang phục dân tộc tự thêu... Chợ cũng thu hút tiểu thương ở khu vực lân cận đem nhiều mặt hàng thiết yếu trong đời sống lên bán. Chính quyền và ngành văn hóa, du lịch địa phương cũng đầu tư tái hiện lại nhiều nghi lễ quan trọng trong văn hóa người Dao Thanh Y biểu diễn tại chợ phiên để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Vi Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết: "Xã đã tổ chức hoạt động chợ phiên gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân vùng cao, phục dựng lại nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao và Tày đã bị mai một dần đi. Chợ phiên Hà Lâu được phục dựng lại để giúp người dân nơi đây có thể trao đổi sản phẩm hàng hóa, từ đó giúp nâng cao đời sống của bà con nhân dân, thúc đẩy việc thi đua lao động sản xuất và phát triển kinh tế trên địa bàn."

Những sản phẩm tự thêu của người Dao Thanh Y vô cùng tỉ mỉ và đặc sắc.
Những sản phẩm tự thêu của người Dao Thanh Y vô cùng tỉ mỉ và đặc sắc.

Du khách đến với chợ phiên Hà Lâu thích thú khi được mua sắm những sản phẩm do bà con các dân tộc bản địa làm ra. Các mặt hàng nông sản chủ yếu là người dân tự sản xuất, là hàng nông sản sạch không thuốc trừ sâu, hóa chất. Trang phục của người Dao, người Sán Chỉ và người Tày địa phương cũng là sắc màu của chợ phiên. Nét văn hóa của người Dao Thanh Y được tái hiện tại chợ phiên với nghi lễ Cấp sắc (hay còn gọi là Phùn Voòng), một nghi lễ quan trọng công nhận sự trưởng thành của đàn ông Dao Thanh Y. Các cô gái, chàng trai trong trang phục sặc sỡ, tươi tắn trong tiết mục tái hiện lễ rước dâu của người Dao, tham gia hội thi đẩy gậy và thưởng thức hương vị đặc sản của loại bánh chưng gù....

Chợ bày bán là các mặt hàng nông sản rau củ quả, mật ong rừng, rượu men lá, dụng cụ đi rừng như dao, rựa...
Chợ bày bán là các mặt hàng nông sản rau củ quả, mật ong rừng, rượu men lá, dụng cụ đi rừng như dao, rựa...

Chị Vũ Thị Loan ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến với chợ phiên Hà Lâu cảm nhận: "Đây là lần đầu tiên tôi đi phiên chợ như thế này. Tôi từ ở dưới phố lên trên này du lịch. Ở đây có cảnh núi rừng, văn hóa của người đồng bào dân tộc nên tôi thấy rất phấn khởi và rất là thích. Người dân ở đây khiến tôi nhận thấy sự gần gũi và thân thiện, còn đồ dùng bán ra tôi cũng thấy yên tâm khi sử dụng. Người dân bán hàng ở đây thì vui vẻ và hòa nhã với người mua, không phân biệt là khách ở đâu đến."

Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Đối với huyện Tiên Yên, để phát triển kinh tế xã hội thì phải lấy văn hóa làm nền tảng, đặc biệt là nét văn hóa của người dân tộc thiểu số vùng cao, và phiên chợ Hà Lâu là một trong những nét văn hóa đó.

Đến Tiên Yên đi Chợ phiên Hà Lâu 4

"Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã tập trung xây dựng những đề án để giúp bảo tồn và phát huy bản săc giá trị văn hóa các dân tộc. Thông qua phiên chợ Hà Lâu chúng tôi mong muốn là sẽ bảo tồn được nét văn hóa đã và đang bị mất đi. Lấy đó làm động lực để phát triển kinh tế xã hội, thu hút du khách và qua đó giúp tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp cũng như những sản phẩm người dân làm ra để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt thông qua phiên chợ này cũng giúp người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, cổ hủ và hình thành nét sống văn minh hơn.", ông Hoài chia sẻ.

Nhiều trò chơi dân gian của người dân bản địa.
Nhiều trò chơi dân gian của người dân bản địa.

Theo thời gian, sự giao thoa, đan xen văn hóa đã hình thành nên những sắc thái riêng cho đất và người Tiên Yên - vùng đất nơi ngã ba sông, ngã ba đường vùng Đông Bắc. Những giá trị văn hóa dân gian ẩn chứa trong điệu hát, tiếng khèn, trong trang phục truyền thống là sợi chỉ gắn kết đa sắc màu văn hóa dân tộc, làm nên nét riêng, khác biệt của Tiên Yên. Cùng với chợ phiên Hà Lâu,những lễ hội truyền thống được phục dựng nguyên gốc đã tạo nên những bản sắc riêng về đất và người Tiên Yên tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây./.