Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đến năm 2025, Lâm Đồng có 100.000 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững

Văn Yên - 18:57, 13/07/2022

Trong Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 265 chuỗi liên kết sản lượng nông sản.

Người dân Lâm Đồng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Người dân Lâm Đồng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 100.000 ha diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nước và quốc tế (VietGAP, Global GAP, Rainforest Alliance Fair Trade...). Tỷ lệ cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, tăng 10% hằng năm.

Sản lượng nông sản rau, hoa, trái cây được qua sơ chế, chế biến trước khi xuất bán đạt 80% tổng sản lượng toàn tỉnh; trong đó, sản lượng qua chế biến đạt khoảng 25% và giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%...

Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi, số hộ tham gia và 20% giá trị nông sản qua chuỗi, đến năm 2025 có 265 chuỗi liên kết với 26.700 hộ tham gia, nâng tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh.

Mục tiêu của giai đoạn 2026 - 2030, Lâm Đồng sẽ có 125.000 ha diện tích sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước; tỷ lệ các cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng 15% mỗi năm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

Lâm Đồng cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như: Phối hợp huy động các nguồn lực Nhà nước và xã hội trong bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực...