Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trà Vinh phát triển các mô hình nông nghiệp CNC

Phương Nghi - 14:25, 03/02/2020

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện tốt các mô hình phát triển kinh tế gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật (KH-KT) cho nông dân, hỗ trợ các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh cũng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nông dân nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và có liên kết với nơi tiêu thụ.

Mô hình trồng dưa lưới CNC của anh Nguyễn Vũ Xuyên ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng dưa lưới CNC của anh Nguyễn Vũ Xuyên ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 771 tổ hợp tác (THT) và 110 hợp tác xã (HTX), trong đó, có 12 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong năm 2019, HND tỉnh đã phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan tư vấn cho nông dân 145 mô hình sản xuất sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, tổ chức trên 620 buổi tập huấn chuyển giao KH-KT, quản lý dịch hại trên cây trồng, vật nuôi cho 18.782 lượt hội viên, nông dân. Ngoài ra, Hội còn phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh tập huấn, phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC. Thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới (NTM), Hội đã phối hợp xây dựng 32 HTX ở các xã xây dựng NTM.

Theo bà Lê Bích Chi, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Để góp phần thực hiện việc thành lập cũng như phát triển tốt các THT, HTX, Hội tập trung đầu tư từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh vào các mô hình sản xuất của THT, HTX làm ăn hiệu quả. “Việc vay vốn gắn với hoạt động chuyển giao tiến bộ KH-KT nhằm xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên nông dân, tạo thêm nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương, giải quyết việc làm trong hội viên”, bà Chi nói. 

Mô hình trồng dưa lưới CNC của anh Nguyễn Vũ Xuyên ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần) là mô hình trồng dưa lưới áp dụng CNC đầu tiên ở huyện Tiểu Cần, trên diện tích 1.000m2, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng sử dụng hệ thống nhà màng, có mái che, chống côn trùng bằng lưới chuyên dùng hạn chế các tác nhân gây hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

“Đây là giống cây được thụ phấn bằng tay, tỷ lệ đậu trái đạt trên 90%, từ khi thụ phấn đến xuất bán là 40 ngày. Bằng cách trồng trên, mô hình đã cho thu hoạch với năng suất 2,5 tấn, bình quân mỗi trái dưa lưới nặng 2 - 2,2kg. Với giá được doanh nghiệp bao tiêu 34.000 đồng/kg, gia đình tôi thu được hơn 85 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 70 triệu đồng. Đây là vụ thứ 4 tôi trồng dưa lưới”, anh Xuyên nói.

Năm 2006, ông Võ Văn Chà, ấp Ô Chích, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành) bắt đầu mua cây giống bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 3,2ha. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Chà thu lời từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Điểm nổi bật trong việc trồng bưởi da xanh của ông Chà là áp dụng tốt các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh. Ngoài ra, ông còn trồng thêm nhiều cây dừa để giữ độ ẩm cần thiết cho vườn bưởi da xanh phát triển. 

Không trồng bưởi một mình, ông còn vận động người dân trong ấp tham gia THT trồng bưởi da xanh ấp Ô Chích do ông làm Tổ trưởng. Hiện THT có 43 thành viên, tổng diện tích canh tác là 27,3ha. HTX đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất thực hành nông nghiệp sạch VietGAP.