Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ

Hoàng Quý - 20:53, 24/11/2021

Bắc Kạn hiện đang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã mổ sản phẩm), với 131 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo cách truyền thống trước đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất, tiêu thụ nông sản để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Nhờ quan tâm đến ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đang ngày càng được nâng cao về sản lượng và chất lượng
Nhờ quan tâm đến ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đang ngày càng được nâng cao về sản lượng và chất lượng

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã lắng xuống, giao thông giữa các tỉnh thành đã thuận tiện hơn trước. Những ngày này, xưởng sản xuất của Công ty CP Nông sản Bắc Kạn đang đẩy mạnh sản xuất, kịp thời giao hàng cho những đối tác đã ký hợp đồng từ trước. Tuy nhiên, vì nhiều tỉnh thành vẫn còn chốt hạn chế phương tiện giao thông ra vào, nên cũng có nhiều đơn hàng của Công ty bị ảnh hưởng.

Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản Bắc Kạn chia sẻ: “Ứng dụng CNTT trong sản xuất, trong bán hàng rất cần thiết trong đợt dịch này. Các sản phẩm của Công ty tôi cho lên nhiều sàn thương mại điện tử, ngoài ra còn trên Fanpage Facebook, Zalo. Trong đợt dịch này nhờ công nghệ thông tin nên bán hàng dễ dàng hơn”.

Hay như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới), đang tập trung trồng rau củ quả. Để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, HTX xác định hướng đi ứng dụng CNTT vào sản xuất, bằng việc đầu tư nhà lưới, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ phủ bạt trên bề mặt luống, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương…

Theo đó, nhiệt độ, độ ẩm trong nhà lưới được kiểm soát tự động thông qua ứng dụng, tất cả được điều khiển trên điện thoại thông minh dù ở bất cứ đâu. Nhà lưới mới chỉ kiểm soát được thời tiết và sâu bệnh, nhưng về chăm sóc thì phân bón lại là khâu quan trọng không kém. Chính vì vậy, HTX không dùng phân bón hóa học mà chú trọng sử dụng phân hữu cơ, để nâng cao chất lượng rau củ quả.

Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố
Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố

Theo anh Hà Văn Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, việc áp dụng công nghệ, là điều kiện bắt buộc mà HTX đề ra để giảm nhân công lao động, tăng sản lượng và chất lượng, nâng cao thu nhập. Từ chỗ thu nhập 10 triệu đồng mỗi năm cũng khó, doanh thu HTX hiện đã đạt trên 5 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 600 triệu, tất cả đều nhờ vào công nghệ.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết, CNTT được coi là “chìa khóa” đem đến thành công cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ 4.0. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hiện đã có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào tổ chức sản xuất, quản lý trang trại, góp phần ổn định chất lượng, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm.

Một số đơn vị đã áp dụng được công nghệ cao vào sản xuất rau, quả các loại với các ứng dụng thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối, điều khiển bán tự động trong quá trình tưới nước và bón phân trong nhà lưới, nhà màng, hệ thống camera giám sát hoạt động sản xuất... Điển hình như HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Phúc Ba, HTX Dương Quang, HTX An Thịnh, HTX Đại Hà, HTX Nông lâm nghiệp Hoài Anh...

“Hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong thời kỳ 4.0 là rất lớn. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung vào một số giải pháp như đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động đủ điều kiện tiếp nhận và ứng dụng CNTT trong quản lý sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận với các nguồn tín dụng để có điều kiện đầu tư hạ tầng công nghệ...”, ông Hùng nhấn mạnh.