Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đề nghị võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lê Phương - 15:10, 27/12/2022

Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký Quyết định thành lập Ban Xây dựng Bộ Hồ sơ quốc gia “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình Tổ chức Khoa học - Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phong trào luyện tập võ cổ truyền ở Bình Định rất phát triển
Phong trào luyện tập võ cổ truyền ở Bình Định rất phát triển

Theo quyết định trên, ông Bùi Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, Đại võ sư võ cổ truyền được cử là Trưởng ban Xây dựng hồ sơ. Hai Phó trưởng Ban là ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa và ông Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Ban Xây dựng hồ sơ có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Bộ Hồ sơ quốc gia “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại triển khai việc xây dựng Bộ Hồ sơ bảo đảm tính khoa học, tuân thủ hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng các yêu cầu của Bộ Hồ sơ đệ trình UNESCO và tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Võ cổ truyền Bình Định được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá rất cao về giá trị và độ lan tỏa, nên đã trình Chính phủ để chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Được biết, vào tháng 6/2022, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề cương kế hoạch tổng thể xây dựng Hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với mốc thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023.

Theo ông Bùi Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, hiện tại tỉnh có 3 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là Võ cổ truyền, Tuồng và Bài chòi. Nghệ thuật bài chòi (của Bình Định và 7 tỉnh Trung Bộ) đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2017. Đến nay, Bình Định là địa phương duy nhất có Trung tâm Võ cổ truyền (thành lập năm 2013). Toàn tỉnh hiện có 2 Đại võ sư quốc tế, 50 Đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư… Có 185 võ đường võ cổ truyền đang hoạt động với số võ sinh hơn 12.000 người.

“Chính phủ giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Bình Định xây dựng Bộ Hồ sơ quốc gia về võ cổ truyền Bình Định. Việc xây dựng bộ hồ sơ này đang được thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục theo quy định”, ông Hiếu cho biết thêm.