Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Võ thuật Bính Xá một thời vang bóng

Hiếu Anh - 11:04, 09/03/2021

Xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn trước đây vốn được mệnh danh là “miền đất võ” của vùng biên viễn. Với tinh thần thượng võ, đồng bào các dân tộc trong xã đã góp nhiều công lao trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; và tự hào được Bác Hồ khen ngợi. Tiếc rằng, đến nay, võ Bính Xá đã bị mai một đi rất nhiều.

Võ sư Bế Nguyên Giai luôn hoài niệm về môn võ cổ truyền một thời ở Bính Xá (Trong ảnh: Võ sư Bế Nguyên Giai biểu diễn một thế võ cổ truyền)
Võ sư Bế Nguyên Giai luôn hoài niệm về môn võ cổ truyền một thời ở Bính Xá (Trong ảnh: Võ sư Bế Nguyên Giai biểu diễn một thế võ cổ truyền)

Để tìm hiểu về nền võ thuật dân gian này, chúng tôi đến tìm gặp cụ Bế Văn Giai, một võ sư người Tày ở địa phương nhiều năm luyện tập môn võ cổ truyền. Theo lời cụ Giai, Bính Xá nằm ở vùng núi cao hiểm trở, có con sông Kỳ Cùng uốn lượn. Đây là nơi hội tụ linh khí của trời và đất, nên không ít những cao nhân chọn làm nơi tu luyện võ thuật, vì thế từ xa xưa đã có nhiều cao thủ tìm về đây ở ẩn.

Khi những võ sư về ở ẩn, họ sống bình dị như những người dân địa phương, cũng làm nương, cày ruộng. Hồi đó còn nhiều thú dữ, nhiều thổ phỉ quẫy nhiễu khiến dân làng luôn lo lắng mỗi khi đi vào rừng sâu, hay một mình băng núi. Để mỗi người dân có khả năng phòng thủ, tự bảo vệ được mình, các võ sĩ đã truyền lại võ thuật cho dân làng.

Sau mỗi buổi lên nương, dân làng lại lại say mê luyện võ. Những bài cơ bản như luyện đứng tấn, chống đẩy phải học mấy tháng để đôi chân và tay cứng như khúc gỗ. Tiếp đó là học đấm tấn, đá tấn và những chiêu thức cơ bản… Mỗi buổi sáng sớm tinh mơ, các võ sinh chạy lên núi cao, ngắm mặt trời luyện mắt tinh tường, khả năng tập trung khi có ánh sáng trực diện.

Khi đã thuần thục những bài quyền, họ học tiếp những bài quyền phức tạp như xuất chiêu trên không trung, quan trọng nhất vẫn là xuất chiêu trong tư thế ngã. Các tư thế ngã lăn, ngã sấp, ngã ngửa, ngã nghiêng, ngã chéo, ngã thẳng đều được tập đi tập lại và tập dưới nhiều địa hình khác nhau. Ngoài truyền dạy võ thuật, các võ sư còn dạy binh pháp như cách cầm quân, chiến thuật bày binh bố trận, cách thức đánh thủ, chiến thuật thần tốc….

Chính nhờ vào tinh thần võ học đó, Nhân dân Bính Xá đã góp nhiều công lao trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm và thổ phỉ, giữ vững vùng biên ải. Cho đến ngày nay, người dân Bính Xá vẫn còn khắc ghi những chiến công hào hùng, như trận chiến chống phỉ tràn vào cửa khẩu Bản Chắt (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Sức mạnh của những võ sĩ tiếp tục được phát huy trong những trận chiến đấu chống Pháp.

Năm 1946, thực dân Pháp chiếm đóng huyện Đình Lập. Trong bối cảnh đó, chiến khu Nà Thuộc gồm 3 xã Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa đã được thành lập và liên kết chặt chẽ với nhau. Năm 1947, Pháp huy động 2 tiểu đoàn Âu - Phi, có pháo và máy bay yểm trợ, mở liên tiếp 15 cuộc tiến công tiếp tục đánh phá căn cứ Nà Thuộc. Trước tình hình đó, các cụ ở Bính Xá đã dùng đến chiêu thức “Hoa nở trên cây”. Tại đình Pò Háng, các cụ già làng trong bản đã làm lễ xuất quân, phất cờ cho dân làng nổi dậy. Sau mỗi hồi chiêng, chống nổi lên là tiếng hô hào tấn công, lũ giặc chỉ chống cự được thời gian ngắn đã bị đẩy lùi. Tin thắng trận đã khích lệ đến nhiều địa phương khác và vang đến chiến trường Việt Bắc. Sau trận đánh đó, Bác Hồ đã ban tặng quân và dân Bính Xá bức trướng có ghi 4 chữ “Kháng Chiến Hộ Ủng”.

Có thể nói rằng, tinh thần và kỹ thuật của võ cổ truyền Bính Xá là một vốn rất quý của người dân địa phương. Tiếc rằng, trong giai đoạn hiện nay, môn võ này lại mai một đi rất nhiều. Anh Vi Văn Đoàn, Chỉ Huy trưởng Quân sự xã Bính Xá cho biết, hiện nay, các cao nhân của võ thuật Bính Xá đều ở cái tuổi gần đất xa trời, trong khi đó, lớp trẻ không còn mặn mà với võ cổ truyền. 

Vì thế, những người tâm huyết với võ Bính Xá đều hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sớm quan tâm vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu có giải pháp bảo tồn, khơi dậy lại tinh thần của môn võ cổ truyền độc đáo này, góp phần lưu giữ những tinh hoa võ thuật của dân tộc.