Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đề xuất Võ cổ truyền Bình Định là di sản của nhân loại

Thành Nhân - 15:11, 29/03/2021

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký văn bản số 1289/UBND-VX gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề xuất lập hồ sơ đề cử Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Võ đường Lê Xuân Cảnh là một trong những “lò” còn giữ và truyền dạy nhiều bài võ cổ truyền Bình Định
Võ đường Lê Xuân Cảnh là một trong những “lò võ” còn giữ và truyền dạy nhiều bài võ cổ truyền Bình Định

Văn bản nêu rõ: Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII đã thể hiện rõ nét. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh tuý nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc. 

Từ năm 2011 đến nay, với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, Võ cổ truyền Bình Định đã có những bước phát triển nổi bật trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị đặc trưng của một di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn truyền thống, gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Với những dấu ấn thể hiện rõ nét, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - là nơi giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền và bảo trợ trên 100 võ đường Võ cổ truyền Bình Định.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định, đang thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, CLB võ cổ truyền. Trong hàng nghìn nghệ nhân này, có 4 nghệ nhân ưu tú, 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên.