Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đầu tư “lõi nghèo” nhưng cần chú trọng an sinh toàn vùng

Tùng Nguyên - 11:26, 21/04/2022

Việc cắt giảm địa bàn đặc biệt khó khăn là một trong những yêu cầu để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng “lõi nghèo”. Tuy nhiên, việc cắt giảm đột ngột nhiều chính sách an sinh xã hội đã tác động trực tiếp tới vùng đồng bào DTTS.

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các huyện nghèo ở Thanh Hóa đã được đầu tư cơ sở hạ tầng. (Trong ảnh: Điểm trường Sài Khao thuộc Trường Mầm non Mường Lý, xã Mường Lý, huyện Mường Lát)
Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các huyện nghèo ở Thanh Hóa đã được đầu tư cơ sở hạ tầng. (Trong ảnh: Điểm trường Sài Khao thuộc Trường Mầm non Mường Lý, xã Mường Lý, huyện Mường Lát)

Nhiều tâm tư trong thực hiện chính sách ở cơ sở

Trong tháng 3/2022, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã thành lập các Đoàn công tác để khảo sát, đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg (QĐ 861) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT (QĐ 612) về phân định vùng DTTS theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 tại một số địa phương (Hòa Bình, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Cao Bằng, Sóc Trăng…). Qua đó, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận rất nhiều tâm tư của chính quyền các địa phương, trong việc thực hiện chính sách dân tộc sau khi các quyết định này có hiệu lực.

Tại Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có 100 xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi; trước đó (2011-2015), toàn tỉnh có 115 xã khu vực III. Đến giai đoạn 2021 - 2025, theo QĐ 861, toàn tỉnh chỉ còn 21 xã khu vực III.

Địa bàn ĐBKK của tỉnh Thanh Hóa giảm sâu lại không tương ứng với giảm tỷ lệ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là hộ nghèo người DTTS. Theo Quyết định số 5211/QĐ-UBND, ngày 17/12/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, toàn tỉnh còn 67.335 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo người DTTS là 41.759 hộ, chiếm 62,02% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (trong đó có 38.936 hộ cư trú tại địa bàn các huyện 30a của tỉnh).

Ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, hộ nghèo cơ bản là hộ DTTS. Như huyện Quan Hóa, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 99,16% tổng số hộ nghèo của huyện (3.444 hộ), huyện Mường Lát chiếm 99,90% (4.118 hộ), huyện Quan Sơn chiếm 99,95% (4.118 hộ),…

Vì vậy, khi địa bàn ĐBKK giảm sâu, nhiều huyện nghèo ở Thanh Hóa bị hụt nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử tại huyện Quan Sơn, sau khi có QĐ 861 và QĐ 612, huyện giảm 9 xã khu vực III và 65 bản ĐBKK. Từ năm 2020 trở về trước, bình quân mỗi năm, huyện được bố trí trên 92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho các địa bàn ĐBKK; nhưng từ năm 2021 trở đi, của huyện chỉ còn gần 30 tỷ đồng/năm.

Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chia sẻ, là huyện nghèo của tỉnh, việc giảm đột ngột địa bàn ĐBKK ảnh hướng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện trong thời gian tới. Do đó, bên cạnh đề xuất Trung ương điều chỉnh QĐ 861 cho hợp với tình hình thực tế, trước mắt, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện các vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, thuộc ngoài khả năng ngân sách của huyện.

Các huyện miền núi thường xuyên chịu thiệt hại về thiên tai, do đó các chính sách an sinh cần được duy trì. (Trong ảnh: Bản Tân Lập, xã Trung Thành, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở đất tháng 9/2020 - Ảnh TL)
Các huyện miền núi thường xuyên chịu thiệt hại về thiên tai, do đó các chính sách an sinh cần được duy trì. (Trong ảnh: Bản Tân Lập, xã Trung Thành, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở đất tháng 9/2020 - Ảnh TL)

Giảm dần chính sách cho không

Kiến nghị của huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cũng là tâm tư của chính quyền các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi sau khi QĐ 861 có hiệu lực. Tuy nhiên, cũng cần phải “phân loại” kiến nghị của cơ sở để có cái nhìn thấu đáo về tác động của việc giảm địa bàn ĐBKK, từ đó có giải pháp phù hợp, trước mắt cũng như lâu dài.

Đầu tiên là những lo lắng về “hụt” nguồn ngân sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo khi số lượng địa bàn ĐBKK giảm, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo được ấn định hằng năm. Nguồn kinh phí được phân bổ hằng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất giảm sẽ khiến các huyện nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi chật vật xoay xở.

Nhưng cần phải hiểu rằng, giai đoạn 2021-2025, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng thực hiện một lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình). Để tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, Chương trình tập trung đầu tư vùng “lõi nghèo”.

Và QĐ 861 và QĐ 612 là bộ công cụ cần thiết để thực hiện có hiệu quả Chương trình này khi thu hẹp địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Điều này nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/11/2019 là “Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết”.

Không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT sẽ tác động rất nhiều đến hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng DTTS và miền núi
Không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT sẽ tác động rất nhiều đến hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng DTTS và miền núi

Những kiến nghị còn lại của cơ sở có thể “gom” vào nhóm tâm tư về an sinh xã hội. Theo ước tính, sau khi có QĐ 861 và QĐ 612, có ít nhất 2,4 triệu người thôi hưởng chính sách bảo hiểm y tế, hàng chục nghìn học sinh không được hưởng chế độ cấp gạo và miễn giảm học phí, hỗ trợ giáo dục… Các chính sách an sinh bị cắt giảm đột ngột, ảnh hưởng đến hàng triệu đối tượng thụ hưởng là vấn đề cần được quan tâm.

Theo TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người DTTS (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, bộ tiêu chí theo QĐ 861 là để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ở vùng khó khăn nhất, bức xúc nhất của vùng. Còn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác, thì giải pháp lâu dài là phải xây dựng tiêu chí phân định miền núi, vùng cao.

Điều này là phù hợp với tinh thần chỉ đạo trong Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đồng thời, trong Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, bảo đảm khách quan, khoa học, làm cơ sở cho hoạch định chính sách.