Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuẩn bị các giải pháp khi người dân không còn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT

Trọng Bảo - 11:17, 28/07/2021

Căn cứ vào Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực I,II,III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025 thì, trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có rất nhiều người dân không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ của nhà nước; trong đó, có chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, việc tuyên truyền, vận động để người dân mua bảo hiểm tự nguyện là cần thiết để đảm bảo quyền lợi trong khám, chữa bệnh.

Sẽ có hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT (ảnh chụp trước ngày 27/4)
Sẽ có hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT (ảnh chụp trước ngày 27/4)

65 xã chịu tác động điều chỉnh

Tại huyện Bảo Thắng, theo thống kê, sẽ có hơn 37 nghìn người sẽ không được cấp thẻ BHYT. Theo ông Nguyễn Ngọc Thọ, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Bảo Thắng, việc đóng BHYT hộ gia đình để bảo đảm sự liên tục của thẻ BHYT không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện để mua. 

Hiện nay, mức mua BHYT người thứ nhất là 804.600 đồng/người, người thứ hai là 563.220 đồng, người thứ ba là 482.760 đồng/người và người thứ tư là 402.300 đồng/người. 

"Như vậy, tính bình quân mỗi gia đình nếu có 4 người thì mỗi năm sẽ phải chi số tiền là 2.252.880 đồng/4 người/năm”, ông Thọ phân tích.

Hay như ở huyện Bảo Yên, theo thống kê của cơ quan chức năng, sẽ có hơn 13 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng. Với đặc thù là huyện nghèo, thu nhập còn thấp, nhận thức của người dân trong việc chủ động tham gia BHYT còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, mặc dù nhóm đối tượng tham gia còn khá nhiều, nhưng việc khai thác, mở rộng nhóm đối tượng BHYT theo hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn huyện.

“Dù xã chúng tôi đã về đích nông thôn mới, nhưng đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi hết chính sách hỗ trợ mua BHYT của Nhà nước, thì việc vận động người dân tự nguyện mua BHYT theo hộ gia đình sẽ rất khó”, bà Trịnh Thị Duyên, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện bảo Yên cho biết.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai, căn cứ danh sách phê duyệt các xã thuộc vùng I, II, III theo Quyết định 582/QĐ-TTg và đối chiếu với danh sách phê duyệt theo Quyết định 861/QĐ -TTg, toàn tỉnh có 65 xã chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh chính sách đối với vùng II, III. Qua rà soát, có khoảng trên 168 nghìn người không còn nằm trong diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; giảm 22,2%.

Kéo theo đó là tỷ lệ bao phủ BHYT giảm, chỉ có thể đạt 76,3% kế hoạch giao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh Lào Cai tính đến hết tháng 5/2021 đang đạt 98.2%.

Cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia mua BHYT tự nguyện bảo đảm quyền lợi KCB cho bà con (ảnh chụp trước ngày 27/4)
Cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia mua BHYT tự nguyện bảo đảm quyền lợi KCB cho bà con (ảnh chụp trước ngày 27/4)

Chủ động các giải pháp khắc phục 

Trước những tác động này, Sở LĐTB&XH đã có kiến nghị, UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ đối với người dân về BHYT khi các xã được công nhận đạt chuẩn NTM theo hai phương án (dự kiến). 

Cụ thể, phương án thứ nhất là ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí bảo đảm đóng BHYT cho các đối tượng thêm 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, với kinh phí ước khoảng trên 33 tỷ đồng. Phương án thứ hai là, tỉnh sẽ tiếp tục trích ngân sách hỗ trợ hết 6 tháng cuối năm 2021 (từ tháng 7-12) với tổng số tiền hỗ trợ trên 67 tỷ đồng.

Để bảo đảm quyền lợi của người dân được thụ hưởng chính sách về BHYT góp phần hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT, trên cơ sở phương án thẻ BHYT có hạn hết tháng 6/2021, BHXH tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo UBND các xã bị ảnh hưởng, Phòng LĐTB&XH rà soát chi tiết số người bị ảnh hưởng, lập danh sách người dân được chuyển sang các nhóm BHYT khác như: Người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình... 

Cùng với đó, căn cứ danh sách người dân bị tác động bởi QĐ 861 không được ngân sách cấp thẻ BHYT từ 1/7/2021, giao cho chính quyền cơ sở phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội tuyên truyền, vận động người dân mua BHYT hộ gia đình, để bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT được liên tục.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi tín dụng… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, số xã đạt đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm. 

Đương nhiên, khi các xã đã đạt đến sự phát triển nhất định, thì cần có sự điều chỉnh một số xã từ vùng III, vùng II chuyển sang vùng I để dành nguồn lực cho các xã khó khăn hơn. Đối với người dân không còn được hưởng chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với ngành bảo hiểm cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia mua bảo hiểm tự nguyện. Bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa…