Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đầu năm lên núi Chứa Chan

Lê Vũ - 19:52, 01/03/2022

Núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ (sau núi Bà Đen - Tây Ninh). Ngoài những giá trị to lớn về thiên nhiên và lịch sử cách mạng, trong quần thể danh thắng Chứa Chan còn có nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với các lễ hội truyền thống thu hút hàng vạn du khách đến tham dự mỗi năm.

Leo núi Chứa Chan để chinh phục độ cao, chinh phục bản thân là một trong những trải nghiệm thú vị mà nhiều người hiện nay tìm về trong mỗi kỳ nghỉ
Leo núi Chứa Chan để chinh phục độ cao, chinh phục bản thân là một trong những trải nghiệm thú vị mà nhiều người hiện nay tìm về trong mỗi kỳ nghỉ

Núi Chứa Chan nằm tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Với độ cao hơn 800m so với mực nước biển, đây được xem là ngọn núi cao thứ 2 tại khu vực Nam bộ. Từ lâu, nơi đây đã được xem như một chốn “bồng lai”, thu hút rất đông khách thập phương đến leo núi, khám phá thiên nhiên, khám phá những câu chuyện huyền thoại ly kỳ, vãn cảnh chùa và đặc biệt là lên đến đỉnh núi ngắm bình minh và thi thoảng có thể bắt được những cụm mây trôi lơ lửng ngang tầm với.

Để lên được đỉnh núi Chứa Chan có 3 cách: Một là ngồi cáp treo (được đưa vào hoạt động vài năm gần đây) lên đến chùa Bửu Quang (ở lưng chừng núi), rồi tiếp tục men theo đường mòn đi bộ lên đến đỉnh núi. Cách thứ 2, là đi bộ lên chùa Bửu Quang rồi tiếp tục hành trình như cách 1.

Chùa Bửu Quang hay còn gọi là chùa Gia Lào nằm ở lưng chừng núi, là nơi hành hương rất đông của khách thập phương
Chùa Bửu Quang hay còn gọi là chùa Gia Lào nằm ở lưng chừng núi, là nơi hành hương rất đông của khách thập phương

Tuy nhiên nhiều “phượt thủ” và các bạn trẻ muốn thử sức lại chọn cách thứ 3, đó là lập nhóm và đi theo “đường cột điện”. Đây thực chất là tuyến đường mòn men theo đường dây điện và các cột điện dẫn từ chân núi lên đỉnh núi để phục vụ cho Trạm SK11 (Lữ đoàn Thông tin 23 - Quân khu 7), đóng tại cao điểm trên núi Chứa Chan.

Hành trình chinh phục đỉnh núi theo cách này mất hơn 3 tiếng đồng hồ, đường đi không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi bạn cũng phải có chút thể lực và sự chuẩn bị tốt về trang bị, lương thực, nước uống… Đoạn đường mòn này ngoài cảnh núi non hùng vĩ, cây cối xanh mướt đẹp đến ngỡ ngàng, thi thoảng có thể thấy được vài loại thú rừng nhỏ và chim chóc, thì không hề có hàng quán nào cả, khác hẳn với khung cảnh quán xá tấp nập nếu bạn chọn phương án đi bộ hoặc đi cáp treo lên chùa Bửu Quang.

“Đường cột điện” hiện là cung đường leo núi còn khá hoang sơ và được nhiều “phượt thủ” lựa chọn để lên đỉnh núi
“Đường cột điện”, hiện là cung đường leo núi còn hoang sơ, được nhiều “phượt thủ” lựa chọn để lên đỉnh núi

Chị Hoàng Thị Vui, một du khách đến từ tỉnh Hải Dương chia sẻ: Mình tuy không còn trẻ nữa, nhưng vẫn mê leo núi, dã ngoại. Năm nay, vào phía Nam du xuân, tình cờ được chuyến khám phá núi Chứa Chan thật tuyệt. Không có gì bằng khi được đứng trên đỉnh núi nhìn ngắm trời mây non nước; tận hưởng cảm giác chinh phục được đỉnh cao, hay nói cách khác là chinh phục được giới hạn của bản thân, để tạo động lực và năng lượng cho những ngày mới.

Nhắc đến núi Chứa Chan thì không thể không nói đến chùa Bửu Quang Tự, hay còn gọi là chùa Gia Lào (cũng chính vì tên chùa mà nhiều người còn gọi núi Chứa Chan là núi Gia Lào?). Chùa nằm ở lưng chừng núi, tuy kiến trúc không quá độc đáo, hoành tráng, nhưng tổng thể ngôi chùa luôn toát lên vẻ thâm nghiêm, kỳ vĩ. Đặc biệt chùa không đặt hòm công đức và không hề nhận tiền cúng dường.

Sự phát triển của du lịch đặt ra những vấn đề cần quan tâm đến sự bảo tồn thiên nhiên và môi trường (trong ảnh là cây Da 3 gốc nổi tiếng trên đường lên núi)
Sự phát triển của du lịch đặt ra những vấn đề cần quan tâm đến sự bảo tồn thiên nhiên và môi trường (trong ảnh là cây đa 3 gốc nổi tiếng trên đường lên núi)

Trên đường lên chùa, bạn sẽ bắt gặp một cây đa với 3 gốc - 1 ngọn. Với người dân ở đây, cây 3 gốc này rất linh thiêng, được xem như hiện thân của thần núi bảo vệ núi và người đi rừng. Đây cũng là một điểm dừng chân mà mọi người không thể bỏ qua khi đến núi.

Tại đây có những quán xá san sát hai bên đường chào mời, cũng có hiện tượng chèo kéo khách. Ông Trần Văn Sáu (51 tuổi), là dân địa phương nói với tôi trong một quán nước ven đường dưới chân núi: Vùng đất này xưa còn hoang vu nhưng linh thiêng và nhiều huyền thoại lắm. Thời kháng chiến, đây  là căn cứ cách mạng nổi tiếng. 

Sau giải phóng được công nhận là Khu di tích - Danh thắng. Từ đó, du khách từ các nơi bắt đầu đến rất đông. Nhưng cũng từ đó, hệ sinh thái tự nhiên mất mát nhiều, muôn thú cũng bỏ đi hết. Đồng bào dân tộc thiểu số sống ven núi cũng chuyển đi nơi khác. 

"Thấy sự phát triển thì có mừng đó, nhưng đôi khi cũng thấy nhớ núi rừng thuở sơ khai. Chỉ hy vọng khách du lịch, nhất là người trẻ đến đây có ý thức hơn về bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên”, ông Sáu bộc bạch.