Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đi lễ hội đầu năm - Người dân vẫn thờ ơ với khuyến cáo "5K"

Thành An - 17:40, 23/02/2021

Những ngày sau tết Nguyên đán 2021, tại nhiều khu di tích, danh thắng, đình chùa ở Nghệ An và Hà Tĩnh, lượng người du Xuân vãn cảnh, dâng lễ... rất đông. Điều đáng lo ngại, rất nhiều người đã không bảo đảm yêu cầu về “khoảng cách”, “không tập trung” trong quy tắc “5K” để phòng, chống dịch Covid-19... Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nếu không sớm có các biện pháp quyết liệt hơn từ cơ quan chức năng.

Nhiều du khách không mang khẩu trang phòng dịch tại đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Nhiều du khách không mang khẩu trang phòng dịch tại đền ông Hoàng Mười huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Cầu an, cầu may hay… rước họa

Chúng ta vừa trải qua những ngày Tết Nguyên đán, đặc biệt khi người người, nhà nhà vui Xuân, đón Tết trong điều kiện “5K” (khẩu trang  - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi tại một số đền chùa ở Nghệ An, Hà Tĩnh những ngày đầu Xuân, việc không giữ “khoảng cách” và “tập trung” đông người, là hai yếu tố rất đáng lo ngại.

Tại đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), qua quan sát của phóng viên, vào ngày mồng 3 Tết (14/2) và ngày 6 tháng Giêng (17/2), có rất đông du khách đến đi lễ, dâng hương cầu an. Trong dòng người đổ về đền ông Hoàng Mười, chúng tôi đã bắt gặp những trường hợp không mang khẩu trang, hoặc mang khẩu trang không đúng cách… dù loa phát thanh của Ban Quản lí di tích liên tục phát đi các bản tin về tình hình diễn biến của dịch Covid-19, đồng thời khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng dịch.

Cũng trong ngày mồng 3 Tết, tại đền Bạch Mã, huyện Thanh Chương (Nghệ An), có rất đông người đến làm lễ, du Xuân. Trong số những người hành hương về đây, vẫn còn nhiều người vẫn phớt lờ với việc đeo khẩu trang và đeo khẩu trang không đúng cách.

Trong ngày mùng 4 Tết, tại các đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành và đền chùa Gám, xã Xuân Thành thuộc huyện Yên Thành (Nghệ An), chúng tôi vẫn ghi nhận có rất đông du khách chen chân làm lễ cầu an.

Tại di tích chùa Hương, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), trong  ngày mùng 5 Tết, cũng ghi nhận có nhiều du khách không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Du khách Nguyễn Thị Vân ở huyện Yên Thành băn khoăn: "Tôi đi lễ tại đền Đức Hoàng, thấy rất nhiều người chen chân đặt lễ, dâng hương. Dẫu mang khẩu trang, cố gắng giữ khoảng cách, mình cũng cảm thấy rất bất an, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh".

Đi lễ đền, chùa đầu năm để cầu an, cầu may đã trở thành yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng bao đời của người Việt. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người không thể chỉ lo cầu an, cầu may cho riêng mình mà gạt bỏ trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Với thực tế như đã diễn ra tại một số đền, chùa đầu xuân Tân Sửu 2021, một mối lo đang đặt ra với bao người, là chúng ta đang cầu an, cầu may hay… rước họa vào bản thân.

Chính quyền cần phải mạnh tay

Nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng dịch, trong mùa lễ hội năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 365/BVHTTDL-VHCS ngày 29/1/2021 yêu cầu, các địa phương có dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tập trung đông người. 

Đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh, phải giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành y tế tại nơi tổ chức các hoạt động...

Du khách chen chân dâng hương, đạt lễ tại đền ông Hoàng Mười ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ngày mồng 6 tháng giêng.
Du khách chen chân dâng hương, đặt lễ tại đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ngày mồng 6 tháng Giêng.

Với thực tế tại một số đền, chùa đang tập trung nhiều du khách về hành lễ, không thực hiện đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, không giữ khoảng cách an toàn… đã cho thấy sự lơ là, chủ quan, thờ ở của người dân về dịch bệnh Covid-19. Điều này cũng bộc lộ việc thiếu kiểm tra, nhắc nhở chưa đầy đủ, kịp thời của chính quyền sở tại.

Nhu cầu đi tham quan, vui chơi, thực hành tín ngưỡng của người dân dịp đầu Xuân tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở tín ngưỡng... là chính đáng; và hiện nay, vẫn đang tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, song mọi hoạt động đều phải tuân thủ yêu cầu về phòng chống dịch của Chính phủ; bộ ngành chức năng. Do vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, yêu cầu người dân và du khách thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là quy tắc “5K”. 

Trong điều kiện dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cần thiết cũng phải tạm đóng cửa, dừng đón khách đối với các điểm tập trung đông du khách, không bảo đảm an toàn phòng dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý, không để xảy ra tình trạng tạm dừng tổ chức lễ hội nhưng vẫn đón khách “chui”.

Đặc biệt, những người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các địa phương không thể chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch dù nơi mình chưa có ca lây nhiễm...