Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Quyết tâm, tạo động lực để đưa đất nước và Nhân dân vượt qua khó khăn

Thanh Huyền - 15:45, 20/05/2020

Sáng 20/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Đây là kỳ họp đặc biệt khi lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến, thể hiện sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và Nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước. Tham dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Kỳ họp nhiều đổi mới

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp sẽ chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Thời gian qua, mặc dù vừa phải tập trung chống dịch COVID-19 vừa phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội nhưng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực khẩn trương, nỗ lực cao nhất trong chuẩn bị để kỳ họp khai mạc hôm nay. Điều đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác…

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.


Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.

“Kỳ họp thứ 9 sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và Nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch.

“Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội”, Thủ tướng cho biết.


Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp.
Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp.

Tại phiên khai mạc, Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Quốc hội cũng thảo luận trực tuyến về: Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức...

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cho thấy: thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 8 của đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và tổng hợp được 2.102 kiến nghị của cử tri. Trong đó, có 59 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,8%). Có 1.951 kiến nghị đối với Chính phủ chiếm 92,82% tổng số kiến nghị. Trong đó, đã giải quyết, trả lời 1.915 kiến nghị, đạt 98,2%, còn 214 kiến nghị, chiếm 11,2% đang xem xét, giải quyết.